Điện mặt trời mái nhà được phát lên lưới quốc gia nhưng giá 0 đồng

(PLO)- Người dân được lựa chọn phát sản lượng điện dư thừa từ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lên hệ thống điện quốc gia nhưng với giá 0 đồng và nghiêm cấm bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân.

Nghị định này không áp dụng cho điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp, điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Có thể đấu nối vào hệ thống điện quốc gia nhưng giá 0 đồng

Trong dự thảo Nghị định đưa ra hai chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Một là, với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

điện mặt trời mái nhà
Khách sạn Ninh Kiều Riverside lắp đặt điện mặt trời mái nhà với hy vọng sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu sạch. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hai là với điện mặt trời mái nhà có đấu nối hệ thống điện quốc gia thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có). Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

Tổ chức, cá nhân căn cứ quy mô, sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu sử dụng điện để thực hiện đăng ký công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm công suất lắp đặt nhỏ hơn phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký. Công suất lắp đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực. Tổng công suất không gây quá tải lưới điện khu vực.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đưa ra các nguyên tắc phát triển điện mặt trời mái nhà là phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, nghiêm cấm hành vi phát triển không đúng nguyên tắc, trình tự, lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.

Được miễn trừ nhiều loại giấy phép

Để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất các công trình này được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông.

Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời mái nhà vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Bộ Công Thương cũng đề xuất ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.

Để tổ chức thực hiện, bộ đề xuất sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương. Bộ Công Thương sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp UBND các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để quản lý, theo dõi tổng quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà trên cả nước; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định và kiểm tra việc thực hiện.

Các bộ, ngành khác gồm Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, công khai quy mô công suất, tổng công suất đã được chấp thuận phát triển, tổng công suất còn lại điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phát triển theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Địa phương cũng xem xét, ưu tiên công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; Tổ chức thu hồi việc chấp thuận phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành việc lắp đặt quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày chấp thuận.

Trước ngày 25-6 và 25-12 hàng năm, các địa phương phải báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên địa bàn.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp: Đối với dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trước ngày 1-1-2021 và đang thực hiện mua bán điện với đơn vị điện lực thì nghiêm cấm hành vi đấu nối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trục lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm