Diễn ra thời điểm quan trọng này, Đối thoại Shangri-La sẽ bàn gì?

(PLO)- Đối thoại Shangri-La chính thức quay trở lại sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, dự kiến quy tụ hơn 500 đại biểu từ 42 quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Straits Times, Đối thoại Shangri-La - Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - sẽ chính thức được khởi động lại sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Chiến sự Nga-Ukraine cũng được cho là chủ đề chi phối chương trình nghị sự.

Sự kiện diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 tại Singapore do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. Theo The Straits Times, sự kiện dự kiến quy tụ khoảng 500 đại biểu từ 42 quốc gia, gồm hơn 60 bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao.

Thủ tướng Nhật - ông Fumio Kishida có bài phát biểu khai mạc sự kiện. The Straits Times đưa tin rằng Thủ tướng Nhật dự kiến sẽ nói về tầm nhìn chiến lược đang thay đổi của đất nước ông, những tác động của cuộc chiến ở Ukraine và những thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật - ông Fumio Kishida dự kiến sẽ phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nhật - ông Fumio Kishida dự kiến sẽ phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore. Ảnh: REUTERS

Ngày 11-6, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky dự kiến ​​sẽ có một bài phát biểu đặc biệt thông qua hình thức trực tuyến tại hội nghị. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Lloyd Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau đó, đến ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ông Ngụy Phượng Hòa sẽ phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực.

Ông Austin và ông Ngụy dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương bên lề sự kiện, thảo luận về cách quản lý cạnh tranh giữa Mỹ-Trung, trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng về nhiều vấn đề từ Đài Loan đến các động thái quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Austin dự kiến sẽ ​​gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc - ông Lee Jong-sup, cũng như tham gia các cuộc đàm phán ba bên với ông Lee và người đồng cấp Nhật - ông Nobuo Kishi. Các hãng thông tấn Hàn Quốc cho biết ông Lee cũng có kế hoạch gặp ông Ngụy, với trọng tâm là giải quyết các vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của CHDCND Triều Tiên .

Ở một diễn biến khác, theo The Straits Times, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia - ông Tea Banh dự kiến ​​sẽ gặp người đồng cấp Mỹ sau khi có thông tin rằng Trung Quốc bí mật xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia.

Ngày 9-6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết Đối thoại Shangri-La "đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề và sáng kiến ​​quốc phòng và an ninh". Trong khi đó, ông James Crabtree - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của IISS - nhấn mạnh sự kiện này là nơi để các nhân vật quốc phòng cấp cao đề xuất các giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm