Theo các nhà tâm lý học, hẹn hò với người đã ly hôn bị xem là hiện tượng bởi đa số những người trong cuộc không tìm được cách ứng xử hợp lý. Bản thân việc một trong hai người đã qua một lần đò thực chất không hề có tác động tiêu cực đến tương lai như nhiều người nhầm tưởng.
Nếu ly hôn khi chưa có con thì càng thuận lợi cho việc xây dựng hạnh phúc mới. Trường hợp đã có F1, việc tái hôn chỉ là thêm một chút việc phải giải quyết mà thôi.
Tuy nhiên, bởi điều này là nỗi lo ngại của không ít người nên các nhà xã hội học đưa ra một số lời khuyên để người trong cuộc cân nhắc.
Hãy tự hỏi bản thân những điều sau trước khi bước vào mối quan hệ này.
Bạn có thoải mái khi nói về “ly hôn”?
Một người coi chuyện ly hôn của mình là đề tài cấm ky, vô cùng khó chịu khi bị đề cập và sẽ nổi sung lên nếu ai nhắc tới, họ vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt được quá khứ.
Điều này cho thấy họ đã có một mối liên kết thiếu lành mạnh với người cũ và suy nghĩ rất tiêu cực về việc đã qua. Trong tâm thế đó, đối với mối quan hệ mới họ sẽ rất căng thẳng, đòi hỏi và cực đoan.
Với nửa còn lại, nếu quá ngần ngại khi nói về việc ly hôn của đối phương cho thấy cô/anh ấy nhìn nhận đó là một “điểm xấu” hay nhẹ hơn là “điểm trừ” của người ấy. Đây cũng là trạng thái tâm lý xấu, khiến cả hai thiếu thoải mái khi ở bên nhau.
Ly hôn xét một cách tích cực là kết thúc sự gắn kết không phù hợp. Hãy coi đó là một sự việc bình thường trong cuộc sống muôn màu này nếu muốn sống tiếp một cách hạnh phúc.
Cưới thêm lần nữa?
Có những người thực sự không muốn có thêm một đám cưới trong đời mình. Cả hai phải xác định rõ vấn đề này trước khi đến với nhau.
Đối với người đã ly hôn, đôi khi họ chỉ muốn tìm người bầu bạn nhưng không muốn gánh thêm trách nhiệm. Với người còn lại, phải xác định mình có sẵn lòng là người đến sau hay không. Nếu có thể tự tin rằng không bao giờ đem điều ấy ra để “bắt đền” khi chung sống sau này thì hãy tính tới chuyện lâu dài với cô/anh ta.
Nói một cách thực tế đó là đừng làm mất thời gian của nhau.
Bạn có lòng tin sẵn sàng dành cuộc đời mình cho người khác?
Sau khi đổ vỡ, tâm lý thủ thế, đề phòng là tất yếu. Tuy nhiên, nếu có lòng tin vào cuộc sống và tình yêu, người ly hôn vẫn có thể sống hết mình với đối tác mới.
Lòng tin đối với người khác là điều tối cần thiết trong mối quan hệ này. Nếu không thể mở lòng hoặc thấy rằng không thể tin ai nữa, bạn đừng làm mất thời gian của đối phương.
Cả hai cần nhận định cuộc sống luôn biến thiên, ngay cả bản thân chúng ta cũng vậy. Thất bại trước đó chỉ cho một bài học chứ không cho chúng ta một kết luận.
Chuyện ly hôn là do đâu?
Theo nghiên cứu, có đến 70% các cuộc ly hôn xuất phát từ đề nghị của người phụ nữ. Xem xét nguồn cơn của cuộc ly hôn cũng là một kênh tham khảo để đưa ra dự đoán cho mối quan hệ hiện tại.
Nếu lý do ly hôn của anh/cô ấy vẫn còn nguyên khi bước vào mối quan hệ mới (những lý do thuộc về bản chất tính cách, quan niệm sống, đòi hỏi….) thì điều ấy chắc chắn sẽ không thay đổi. Khi đó câu trả lời sẽ thuộc về “người mới”. Bạn có khác không, nếu có thì tiến, không có thì lùi. Người ta sẽ không vì bạn mà thay đổi.
Thái độ với người cũ?
Thái độ của người ấy đối với người cũ là rất đáng để xem xét, đặc biệt trong hoàn cảnh họ có con chung.
Nếu đối tác của bạn có thái độ ôn hòa, bình đẳng và chừng mực, xin chúc mừng bạn. Họ đã có bước trưởng thành lớn sau đổ vỡ, điều ấy có lợi cho mối quan hệ sau. Nói cho cùng, ly hôn luôn có trách nhiệm của cả hai.
Trường hợp anh/cô ấy hằn học, oán trách thậm chí là ghi sâu mối thù cho thấy hoặc họ vẫn còn tình cảm rất sâu đậm, hoặc họ mới là người “có vấn đề” trong cuộc hôn nhân cũ.
Trên tất cả, hãy tin rằng ly hôn không hoàn toàn tồi tệ. Dù có xáo trộn lớn song đôi khi đó là quyết định đúng đắn, tác động tốt cho sức khỏe, tình cảm của chính mình và những người xung quanh.
Khi cơn bão đi qua, người tích cực sẽ tự tin bước tiếp con đường của họ. Chuyện “tái cơ cấu” nếu có, điều ấy cũng bình thường thôi.