Điều chỉnh giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới

Sau khi giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít vào ngày 11-2, khó khăn của thị trường xăng dầu vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể. Nguồn cung một số nơi vẫn hạn chế, một số đại lý vẫn treo bảng hết xăng hoặc bán xăng nhỏ giọt giống thời bao cấp (chỉ bán 30.000 đồng, 40.000 đồng... cho khách). Đáng chú ý, ngày càng nhiều công ty xin được tạm dừng bán xăng vì thiếu hàng.

Không trụ nổi do lỗ kéo dài

Công ty cổ phần Thương mại Hóa dầu Ressol mới đây đã gửi kiến nghị đến nhiều tỉnh, thành miền Tây xin tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc và thông báo tạm ngưng cung cấp hàng cho cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống đại lý. Hiện nay công ty này có năm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và 24 đại lý ở các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và TP Cần Thơ.

Nhiều cửa hàng xăng dầu cho biết mức chiết khấu rất thấp dẫn đến lỗ. 
Ảnh: TÚ UYÊN

Đại diện Công ty Hóa dầu Ressol giải thích với tư cách là thương nhân phân phối xăng dầu, công ty luôn cố gắng duy trì nguồn cung cho cửa hàng trực thuộc, khách hàng thuộc hệ thống và đại lý của mình. Song hiện nay nguồn cung xăng dầu liên tục bị đứt đoạn, vì vậy công ty dù đã cố gắng mở rộng thị trường tìm kiếm nguồn cung mới nhưng vẫn khan hiếm hàng hóa.

“Công ty cam kết sẽ mở cửa hoạt động và cung cấp đầy đủ hàng hóa ra thị trường sau khi tìm được các nguồn cung xăng dầu” - đại diện Công ty Hóa dầu Ressol cho hay.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn ở TP.HCM phân tích: Nguồn cung xăng dầu hiện nay không thiếu nhưng thị trường vẫn còn tình trạng một số cửa hàng ngừng bán. Nguyên nhân do giá thế giới tăng quá cao tạo thêm khoảng cách chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở dẫn đến đơn vị đầu mối, cửa hàng bán lẻ lỗ.

Vị này dẫn chứng giá xăng cơ sở hiện tại 25.332 đồng/lít. Như vậy, nếu tính theo giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch thực tế trên thị trường Singapore ngày 11-2, cộng tất cả thuế, phí theo quy định, 1 lít xăng nhập về các công ty đầu mối lỗ 830 đồng, dầu lỗ 520 đồng/lít. Còn với các cửa hàng thì lỗ 700-800 đồng/lít.

“Theo Nghị định 95/2021, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11, 21. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới xu hướng ngày càng tăng cao, vì vậy các doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng bán lẻ mong muốn cơ quan chức năng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng theo hướng bám sát giá thế giới” - vị này bày tỏ.

Đại diện một công ty xăng dầu khác thì cho hay hiện nay các công ty đầu mối lớn của Nhà nước phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 95/2021 không được mua bán, phân phối xăng dầu ngoài hệ thống, vì vậy một số cơ sở tư nhân bị đứt nguồn cung.

“Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng để có thể phục vụ lâu dài thì chúng tôi cũng cần chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động như vận chuyển, tiền lương, lãi vay, mặt bằng… Đúng là kinh doanh thì cần phải chấp nhận lúc lời, lúc lỗ nhưng lỗ kéo dài thì không trụ nổi” - vị lãnh đạo công ty này chia sẻ.

Kiến nghị điều hành bám sát giá thế giới

Ngày 16-2, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết cơ quan này đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các công ty xin tạm đóng cửa một số cửa hàng, vượt qua khó khǎn. Từ đó nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý của người dân.

Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết từ ngày 11 đến 15-2 vừa qua, đoàn kiểm tra của sở đã kiểm tra tám cửa hàng kinh doanh xăng dầu và một thương nhân phân phối. Thời điểm kiểm tra, có một số ít cửa hàng rút ngắn thời gian kinh doanh do thiếu nhân viên hoặc tạm ngừng do thương nhân phân phối cung cấp thiếu hụt, dẫn đến nguồn hàng không đủ tại một số thời điểm.

Cơ quan này dự báo thời gian tới giá dầu thô thế giới có khả năng đạt ngưỡng 100 USD/thùng. Với mức giá trên, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ điều hành tới dự kiến sẽ tăng nên các cơ sở kinh doanh xăng dầu có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên.

Bên cạnh đó, sở đã nhận được thông tin phản hồi của một số cửa hàng xăng dầu về mức chiết khấu hiện chỉ khoảng 80-200 đồng/lít, thậm chí có cửa hàng không được chiết khấu. Nhiều cửa hàng còn gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay để đảm bảo duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, sở đề xuất liên bộ Công Thương - Tài chính tích cực kiến nghị Chính phủ có chủ trương cho phép điều chỉnh giá linh động trong những trường hợp đặc biệt. Việc điều chỉnh này sẽ trên cơ sở bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước.

Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, giá dầu thế giới biến động mạnh, tăng mỗi ngày nên chu kỳ điều hành 10 ngày/lần vẫn còn quá dài, cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nói: “Chúng ta đang muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường, vì thế mặt hàng xăng dầu cũng dần dần phải được thị trường hóa. Việc giảm chu kỳ điều hành xuống 5-7 ngày/lần là cần thiết nhưng cần đi theo lộ trình để đảm bảo các yêu cầu của thị trường xăng dầu”.•

Thanh tra đầu mối xăng dầu

Ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, cho biết bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định thành lập ba đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu do bộ này cấp phép. Nội dung thanh tra bao gồm các vấn đề liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Kiến nghị được điều hành linh hoạt

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết từ ngày 28-1, bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích rõ tình hình thế giới, trong nước. Trong văn bản này, bộ cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép được lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp nhằm giảm áp lực phần nào cho doanh nghiệp và bám sát giá thế giới.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, vượt ngưỡng 100 USD/thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Chính phủ cho phép bộ linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu nhằm đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm