“Việc xây dựng, nâng cấp chợ truyền thống là chủ trương chung của TP, không thể không làm” - bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhấn mạnh tại buổi làm việc chiều 29-9 với UBND quận Tân Bình và các sở, ngành liên quan về vấn đề xây mới chợ Tân Bình.
Sẽ tính toán các phương án khác
Theo bà Đào, hiện nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP có diện tích các sạp nhỏ hơn quy định tại Nghị định 02/2003 (tối thiểu 3m2 - PV), tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Cạnh đó, những năm gần đây hệ thống phân phối hiện đại phát triển mạnh nên mãi lực chợ truyền thống chậm. Do đó, việc nâng cấp, xây mới các chợ truyền thống là cần thiết và TP có chủ trương giao các quận/huyện kêu gọi xã hội hóa thực hiện. “Với trường hợp chợ Tân Bình, UBND quận Tân Bình đã làm đúng luật. Tuy nhiên, khi triển khai thì vấp phải những phản ứng gay gắt của tiểu thương” - bà Đào nói.
Ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết quận đã được UBND TP chấp thuận cho triển khai dự án xây mới chợ Tân Bình. Các thủ tục pháp lý cũng được quận thực hiện theo quy định. Ông Sơn cũng báo cáo tóm tắt một số kiến nghị của tiểu thương như không được sử dụng 7.000 m2 mặt tiền chợ làm trung tâm thương mại; không xây mới chợ cao tầng mà tiểu thương sẽ đóng góp kinh phí để chỉnh trang chợ…
“Do dự án chưa được tiểu thương đồng tình nên tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm phương án thích hợp để hài hòa lợi ích của bà con. Sau khi xây dựng các phương án khả thi, quận sẽ đưa ra lấy ý kiến tiểu thương trước khi triển khai” - ông Sơn nói (xem thêm thông tin này trên Pháp Luật TP.HCM ngày 29-9).
Các tiểu thương tập trung trước cổng UBND quận Tân Bình trong sáng 29-9. Ảnh: T.UYÊN
Nhiều sạp chợ Tân Bình vắng tanh vào sáng 29-9. Ảnh: T.UYÊN
Cần chính sách hỗ trợ hợp lý
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đề nghị quận Tân Bình cần xem xét chế độ tái bố trí sạp chợ sau khi xây mới cho hợp lý, làm sao để không ảnh hưởng tới quyền lợi tiểu thương. “Giá trị một sạp chợ nếu tính theo diện tích có thể chẳng là bao, song trên thực tế nó có giá trị vô hình rất lớn, thậm chí là cả sản nghiệp của tiểu thương. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để bà con không bị thiệt hại khi xây mới chợ. Chợ không thể không xây nhưng nếu thông tin đầy đủ cho tiểu thương biết chính sách hỗ trợ như thế nào, chỗ mới có tốt hơn không… thì bà con sẽ dễ chấp nhận hơn” - một đại biểu góp ý.
Đáp lời, ông Sơn khẳng định đã gửi thông tin về dự án đến từng tiểu thương. Quận không thu hồi sạp của bất kỳ ai mà chỉ tạm di dời, sau đó bà con sẽ được bố trí vào lại chợ mới. “Hiện quận chưa quyết định điều gì. Như đã nói trên, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến tiểu thương, từ đó điều chỉnh các phương án thực hiện chứ không áp đặt” - ông Sơn nói.
Kết luận buổi làm việc, bà Đào đề nghị quận Tân Bình cần giải thích để tiểu thương hiểu khi xây dựng chợ mới họ sẽ có những lợi ích gì (như diện tích sạp được đổi ngang, chợ khang trang hơn, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo phòng cháy chữa cháy…). Ngoài ra, quận và nhà đầu tư cần xem xét, tính toán miễn, giảm tiền thuê sạp cho bà con trong những năm đầu.
“Sở Công Thương cũng thống nhất với quận Tân Bình là tạm thời ngưng thực hiện dự án, chờ xây dựng phương án khác và sẽ tham khảo ý kiến tiểu thương. Quận Tân Bình nên phối hợp với các sở/ngành để xây dựng, triển khai dự án thật chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên” - bà Đào yêu cầu.
TÚ UYÊN
Sáng 29-9, nhiều tiểu thương chợ Tân Bình đã tạm ngưng kinh doanh, tập trung trước chợ và trước trụ sở UBND quận để tiếp tục bày tỏ mong muốn lãnh đạo quận thay đổi phương án xây mới chợ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều tiểu thương cho biết không chấp nhận phương án hỗ trợ 30 triệu đồng/sạp do trước đó họ đã phải sang lại sạp với giá rất cao. “Mong muốn duy nhất của chúng tôi lúc này là không xây mới chợ. Các tiểu thương sẽ góp vốn để sửa sang chợ cho khang trang hơn, không cần tới nhà đầu tư nào” - chị Mai Hà, kinh doanh ngành hàng quần áo may sẵn, bày tỏ. |