Điều chỉnh quy hoạch sân bay Cát Bi, Vinh, Phù Cát, Liên Khương, Buôn Ma Thuột

(PLO)-  Các sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Phù Cát (Bình Định), Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đều được đề xuất xây dựng thêm ít nhất một nhà ga hành khách. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Hàng không Việt Nam đang xem xét, lấy ý kiến đối với báo cáo của các đơn vị tư vấn về điều chỉnh quy hoạch sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Phù Cát (Bình Định), Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, các sân bay trên đều được tư vấn đề xuất điều chỉnh công suất nhà ga hành khách để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lại.

Cụ thể, sân bay Vinh được điều chỉnh đến năm 2030 là 8 triệu hành khách mỗi năm, với vai trò là sân bay quốc tế. Đến năm 2050, sân bay Vinh dự kiến sẽ nâng cấp lên 14 triệu hành khách mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu quy hoạch, tư vấn đề xuất sân bay Vinh cần có hai đường băng thay vì một đường băng như hiện nay. Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng mới nhà ga hành khách T2 (nằm phía Tây nhà ga hiện hữu) với công suất 12 triệu hành khách mỗi năm.

Tuy nhiên, tư vấn cũng cho rằng để đáp ứng quy hoạch cho sân bay Vinh cần phải đầu tư số tiền khoảng 24.000 tỉ đồng trong thời gian tới. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 cần đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.

Sân bay Vinh hiện nay đã quá tải. Ảnh: Đ.LAM

Sân bay Vinh hiện nay đã quá tải. Ảnh: Đ.LAM

Đối với sân bay Buôn Ma Thuột, tư vấn đề xuất từ này đến 2030 sẽ nâng công suất nhà ga đáp ứng 5 triệu hành khách mỗi năm. Cụ thể là xây dựng thêm một nhà ga hành khách về phía Tây, nhưng vẫn giữ nguyên một đường băng hiện hữu. Song song đó, nắn thẳng tuyến đường nối Đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để thuận lợi cho việc phát triển sân bay.

Đến năm 2050 sân bay Buôn Ma Thuột dự kiến đáp ứng khai thác 7 triệu hành khách mỗi năm và giữ nguyên một đường băng như hiện nay. Tuy nhiên, giai đoạn này sẽ mở rộng nhà ga hành khách mới T2 đáp ứng thêm 2 triệu hành khách mỗi năm, nâng tổng công suất quy hoạch nhà ga này lên 6 triệu hành khách mỗi năm và kết nối với nhà ga hiện hữu T1 bằng đường dẫn dài khoảng 110m.

Với sân bay Phù Cát, tư vấn đề xuất giai đoạn đến năm 2030, sẽ xây mới thêm nhà ga hành khách cạnh nhà ga hiện hữu, công suất thiết kế 2,3 triệu hành khách mỗi năm, đồng thời cải tạo nhà ga hiện hữu đạt công suất 2,4-2,7 triệu hành khách, nâng tổng công suất sân bay đạt 5 triệu hành khách mỗi năm.

Giai đoạn đến 2050, sân bay Phù Cát tiếp tục xây mới nhà ga hành khách về phía bên trái nhà ga hiện hữu với công suất 2,3 triệu hành khách mỗi năm, nâng tổng công suất đáp ứng của sân bay lên 7 triệu hành khách mỗi năm. Cải tạo hình thức kiến trúc của khối nhà ga cũ đồng bộ với khối nhà ga mới thành tập hợp công trình có ba tòa tháp mang dáng dấp những tòa Tháp Chàm, một trong những biểu tượng văn hóa, lịch sử của địa phương.

Với sân bay Liên Khương, tư vấn đề xuất đến năm 2050 ngoài nhà ga T1 hiện hữu phải xây dựng thêm nhà ga T2 với công suất 5 triệu hành khách mỗi năm. Hai nhà ga này nối liên hoàn và có thể đáp ứng được 10 triệu hành khách mỗi năm.

Đối với sân bay Cát Bi, tư vấn cho rằng dự báo nhu cầu đến năm 2030 sân bay này sẽ đón 12,6 triệu hành khách. Giai đoạn đến năm 2050, ước dự báo nhu cầu hành khách thông qua sân bay đạt 28,8 triệu hành khách mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu trên sân bay Cát Bi phải xây dựng thêm một đường băng, xây dựng mới nhà ga T2, T3 đảm bảo công suất ba nhà ga (T1, T2 và T3) đạt 18- 20 triệu hành khách mỗi năm.

“Như vậy đến năm 2050 phải xem xét xây dựng sân bay Hải Phòng (ở huyện Tiên Lãng). Trong đó, sân bay Cát Bi đáp ứng công suất 18-20 triệu hành khách mỗi năm, sân bay Hải Phòng đáp ứng Công suất 10-12 triệu hành khách mỗi năm…”- tư vấn cho hay.

Đại diện Cục hàng không Việt Nam cho biết vừa qua lãnh đạo đơn vị đã nghe báo cáo các đơn vị tư vấn và đang chờ các báo cáo tiếp theo để xem xét đề xuất với Bộ GTVT nhằm đưa vào quy hoạch để chuẩn bị lộ trình đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm