Nhạc sư Vĩnh Bảo chia sẻ: “Tôi đàn để tiễn bạn đi. Từ nay, tiếng đàn của tôi sẽ không còn trước nụ cười của GS. TS Trần Văn Khê nữa”.
Tối 27-6, tại lễ tang của GS. TS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo- người bạn tri âm của GS đã tiễn đưa bạn bằng điệu đờn Tài tử Nam bộ thân thuộc. Đó cũng là di nguyện cuối đời của GS. TS Trần Văn Khê.
Điệu đàn buồn cất lên từ tiếng lòng của người nghệ sĩ, da diết và thanh thoát với nhiều loại nhạc cụ khác nhau (đàn tranh, đàn cò, đàn sến,…)
Không khí tang lễ trở nên ấm cúng hơn khi các nghệ sĩ Hải Phượng, nghệ sĩ Chí Tâm… cùng đông đảo học trò cùng đàn ca bên linh cửu của GS.
Tại lễ tang của GS. TS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo- người bạn tri âm của GS đã tiễn đưa bạn bằng điệu đờn Tài tử Nam bộ thân thuộc.
Mối thâm giao giữa GS Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu từ thập niên 1960 dù trước đó, cả hai từng quen nhau khi dạy chung trường trung học ở Sài Gòn. Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp. Có một người học trò của Vĩnh Bảo khoe với Giáo sư Khê những bản ghi âm tiếng đàn của thầy mình. Từ tiếng đàn tranh, ở hai phương trời xa xôi, hai tâm hồn yêu nhạc dân tộc bắt đầu liên lạc thư từ thường xuyên với nhau để trao đổi tâm tư, tình cảm.
Năm 1972, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thực hiện cho Ocora (Radio-France) một đĩa nhạc Tài tử Nam bộ. Đĩa này đã khiến cho UNESCO chú ý và cơ quan này đã mời 2 người thực hiện thêm đĩa Collection UNESCO (Musical Sources, hãng Philips của Hà Lan sản xuất) với Trần Văn Khê (đàn tỳ bà), Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) hòa tấu các bản Bình bán, Kim tiền, Tây Thi, Cổ bản. Riêng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn độc tấu đàn tranh các bản Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung và Tứ đại oán. Ít tháng sau đó, UNESCO đã điều đình với GS-TS Trần Văn Khê để xin mua đứt bản quyền đĩa này.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, Sa Đéc, Đồng Tháp) là một nhân vật đã sống trọn vẹn cuộc đời cho đờn ca tài tử Nam bộ qua việc dạy học, diễn giảng, biểu diễn, đóng đàn, sáng tạo nhạc cụ và các loại lên dây (tunings), cùng với kỹ thuật diễn tấu cũng như tư duy mỹ quan âm nhạc Việt Nam. |
THANH TUYỀN- HOÀNG GIANG