Lúc 2 giờ 55 ngày 24-6, GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh biệt cõi trần sau 29 ngày nằm bệnh viện.
Tin cẩn những người trẻ
Bất cứ ai khi nghe GS Khê nói chuyện cũng đều chung suy nghĩ khó có thể tìm kiếm người thứ hai có tài năng diễn thuyết về dân tộc âm nhạc học, văn hóa học hay như GS Khê. Bởi mỗi câu chuyện ông nói ra là mỗi trải nghiệm, tâm huyết của ông với câu chuyện đó chứ không phải là chuyện kể nghe cho qua. Từ những câu chuyện, trách nhiệm của ông với người nghe mà nhiều thế hệ học giả, trí thức… tự nghiêng mình xin làm học trò của ông như TS Nguyễn Nhã, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng…
Với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người được GS Khê tin cẩn đề tên trong di nguyện để giúp ông lo phần tang lễ cũng không ngoại lệ. Ông Xuân nói: “GS Trần Văn Khê là người có mối thâm tình về thầy trò với tôi. Ông là một trong những người giúp tôi hun đúc tình yêu nước, đặc biệt là yêu nước Việt qua văn hóa Việt”.
Từ năm 1965, thuở còn là một sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp về hát bội, qua sự giới thiệu của GS Lê Văn Hảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã liên lạc được GS Khê để hỏi về hát bội. GS Khê không ngần ngại gửi nguyên luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” cho ông Xuân tham khảo.
Tương tự như thế, vào năm 1960, khi TS Nguyễn Nhã còn là chủ bút Tập San Sử Địa, ông có dịp được thư từ trò chuyện cùng GS Khê về bản sắc Việt. Trong một buổi GS Khê từ Pháp về Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn năm 1974 để nói chuyện về âm nhạc dân tộc, TS Nguyễn Nhã đã bị lối nói chuyện của GS Khê thu hút. “Cách nói chuyện của GS Khê thu hút mọi giới từ quan chức, lãnh đạo quốc gia, nhà nghiên cứu lẫn những người trẻ như tôi thời đó. Thầy Khê không ngần ngại với người trẻ bao giờ mà luôn dốc lòng giúp sức. Có vậy những người thế hệ sau như tôi mới được gần gũi và có mối thân tình cùng thầy cho đến nay”.
Hỏi TS Nguyễn Nhã ấn tượng nhất với GS Khê là gì, ông Nguyễn Nhã bảo ngay đó là ca trù. Theo lời kể của TS Nguyễn Nhã thì chính GS Khê là người vực ca trù sống lại. “Sau năm 1954 không còn ai hát ca trù. Đến thời Ngô Đình Diệm ca trù cũng bị cấm. Trong các gia đình cũng không nơi nào tổ chức hát ca trù nên ca trù dần mai một đi… Cho đến năm 1976-1978 khi GS Khê về phỏng vấn bà Quách Thị Hồ, rồi đưa hồ sơ ca trù đến Unesco lúc đó Unesco mới để ý loại hình âm nhạc này” - TS Nguyễn Nhã kể.
GS-TS Trần Văn Khê trong buổi nói chuyện về lịch sử cải lương Nam Bộ tại tư gia ở TP.HCM vào ngày 25-5-2015. Đây cũng là buổi nói chuyện cuối cùng của ông trước công chúng. Ảnh: VĨNH NGUYÊN
GS Trần Văn Khê đến thăm nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ năm 1995, rồi sau đó đưa hồ sơ ca trù đến Unesco. Ảnh: Tư liệu
Đời đâu chỉ có cây đờn
Có thể nói sự quan tâm của GS Khê đến âm nhạc dân tộc không chỉ xoay quanh cây đờn, điệu nhạc. Nhiều người không ngại ngần mệnh danh ông là con người di sản bởi ông trân quý, nâng niu tất cả những gì thuộc về văn hóa, truyền thống, nhất là những văn hóa, truyền thống đang mai một. Sau năm 1965, khi có sự kết nối với những học giả ở Huế, GS Khê đã không ngần ngại đề xuất các nhà nghiên cứu khảo cứu, thực địa các nhà hát cổ của cố đô Huế như Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Cung An Định… Từ đó, nhiều bài viết về các công trình này cũng như nhã nhạc cung đình Huế được GS Trần Văn Khê, GS Lê Văn Hảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhà nghiên cứu Vĩnh Phan chuyển tải trên các tạp chí nghiên cứu.
Hay khi biết tin TS Nguyễn Nhã có dự án giới thiệu Bếp Việt ra thế giới, GS Khê đã dày công ngồi tìm hiểu, viết những tiểu luận để so sánh ẩm thực Việt với ẩm thực Hoa, Nhật. Từ sự so sánh đó mà nổi bật được nét đặc sắc của bếp Việt Nam. “GS Khê là người đi đầu trong việc sử dụng phương pháp đối chiếu để tìm ra bản sắc Việt. Phải ở nước ngoài, đi đến nhiều nước mới có điều kiện so sánh để thấy cái độc đáo của Việt Nam. GS Khê chuyên về âm nhạc nhưng thực chất là người nghiên cứu văn hóa nói chung. Từ GS Khê mà tôi quan tâm đến phương pháp nghiên cứu đối chiếu này để nghiên cứu những độc đáo của ẩm thực Việt” - TS Nguyễn Nhã kể.
Ngay với con đường nghiên cứu của chính mình, GS Khê từng nói: “Trong lúc nghiên cứu, khi tìm thấy những gì hay, đẹp, có giá trị đang có nguy cơ bị chìm vào trong quên lãng thì tôi ra sức cứu sống nó để những giá trị này đừng bị bụi thời gian vùi lấp mà có thể trực tiếp hòa mình vào cuộc sống. Đây là quan điểm của tôi về thái độ dấn thân trong nghiên cứu. Xét lại quá trình làm việc của mình, tôi đã từng cứu sống lại những bộ môn tưởng đã tàn rụi tợ cây khô thiếu nước như nghệ thuật ca trù, chầu văn, nhạc cung đình Huế”.
Bốn người thân quý làm GS Khê ngã gục
Không chỉ cứu những giá trị đang dần mất, GS Khê luôn là người tìm cách đưa những giá trị đó đến lại với mọi người. Cho đến những ngày cuối đời trên giường bệnh ông vẫn luôn đau đáu với việc làm sao đưa cải lương đến Unesco, đưa âm nhạc truyền thống vào trường học, đưa những thứ đang dần mất về lại cuộc sống bình thường để chúng được sống lại như ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, chầu văn thuở nào.
Nhưng rồi với tuổi tác, với những căn bệnh sẵn có, cùng với sự ra đi lần lượt trong năm 2014 của bốn người ông yêu quý (BS họa sĩ Dương Cẩm Chương; vợ ông - bà Nguyễn Thị Sương; bà Tường Vân - một người bạn tri kỷ suốt cuộc đời của GS Khê; ông Huỳnh Văn Tươi - một thư ký nhiều năm của GS Khê) đã làm GS Khê gục ngã.
Tối nay (25-6), GS-TS Trần Quang Hải, con trai trưởng GS-TS Trần Văn Khê sẽ trở về TP.HCM thọ tang cha. Trước đó GS Hải đã trở về, tuy nhiên do có hội thảo quốc tế diễn ra ở Ý phải tham dự nên ngày 21-6, GS Hải đã bay đến Ý. Khi nghe tin cha mất, GS Hải vội vã mua vé về chịu tang. Ngoài GS Hải, hiện tại ba người con còn lại của GS Khê là Trần Quang Minh và hai con gái ở Mỹ là Trần Thị Thủy Ngọc và Trần Thị Thủy Tiên cũng đã có mặt ở TP.HCM.
Người đặc sắc Việt Nam trong môi trường quốc tế Năm 2012, GS-TS Trần Văn Khê đã nhận Giải nghiên cứu của Giải văn hóa Phan Châu Trinh. Trong diễn văn bế mạc giải thưởng năm đó, đại diện Hội đồng quản lý quỹ đã viết về GS-TS Trần Văn Khê: “Chúng ta đều biết và ngưỡng mộ cống hiến to lớn, tận tụy của GS Trần Văn Khê, người đã dành hầu suốt cả cuộc đời say mê sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống mà ông coi là một phần quốc hồn quốc túy, là giọng điệu tâm hồn của dân tộc; cũng bằng con đường đó, giữ gìn vốn quý ấy, phát huy sức mạnh của nó trong đời sống của người Việt đương đại. Hôm nay chúng ta còn được biết thêm một trong những nguyên nhân thành công quan trọng nhất của ông là ông đã tái khám phá nền âm nhạc ấy dưới ánh sáng của âm nhạc học hiện đại, khiến cho nó vừa độc đáo bản địa lại vừa có thể trở thành một bè đặc sắc trong hòa âm chung của nhân quần rộng lớn. Có thể nói một điểm đặc biệt nổi bật của Trần Văn Khê là ông hết sức đặc sắc Việt Nam trong môi trường âm nhạc quốc tế mà ông rất nổi tiếng, lại rất quốc tế trong cái nhìn và cách xử lý vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phải chăng đó cũng là một bài học và không chỉ về âm nhạc. Ở ông, truyền thống và hiện đại không đối lập. Vấn đề không phải là khư khư giữ chặt một cái gì đó được coi là bản sắc truyền thống bất biến, mà là tạo nên bản sắc hiện đại bằng tất cả bản lĩnh được tích lũy lâu dài để đứng vững và phát triển hôm nay”. |