Một chiếc Boeing 777-200, tương tự như chiếc mất tích.
Sau khi cất cánh, máy lái tự động sẽ hoạt động để điều khiển chiếc Boeing 777-200 theo tốc độ, hướng và độ cao như phi công đã cài đặt. Đối với các phi công, một trong những ưu tiên sau khi cất cánh là đưa máy bay lên độ cao hành trình khoảng 10.668 m và đảm bảo rằng máy bay giữ liên lạc với bộ phận kiểm soát mặt đất.
41 phút sau khi cất cánh - khi chuyến bay MH370 được thông báo là mất liên lạc radar - máy bay hẳn là đang có mặt tại ranh giới không phận giữa Malaysia và Việt Nam. Lúc đó, hầu hết đèn bên trong máy bay nhiều khả năng chỉ lờ mờ và các hành khách có thể đang xem tivi hoặc đang ngủ.
Các phi công sẽ kết nối tần số vô tuyến của máy bay với tháp kiểm soát tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở độ cao dưới 914,4 m và chuyển nó sang tần số của trạm mặt đất Kuala Lumpur một khi đạt trên độ cao đó.
Khi máy bay đạt độ cao 3.048 m, tín hiệu thắt đai an toàn sẽ tắt và các hành khách được phép tháo nó ra.
Đại tá Lim Khoy Hing, một phi công về hưu, cho biết "quá trình chuyển giao" đó có thể diễn ra khi máy bay tới ranh giới không phận giữa Malaysia và Việt Nam.
Ông Lim, người đã điều khiển máy bay Boeing 777-200 cho MAS từ 1997-2006 và có 25.500 giờ bay trong 44 năm sự nghiệp, cho biết trạm kiểm soát mặt đất tại Kuala Lumpur sẽ liên lạc với Thành phố Hồ Chí Minh để thông báo rằng máy bay sẽ vào không phận Việt Nam và phi công sẽ liên lạc với họ.
"Nếu điều này không được thực hiện trong vòng vài phút, chuông báo động sẽ vang lên, đồng nghĩa với việc một máy bay không thể "mất tích" trong hơn 10 phút", phi công kỳ cựu nói.
Cũng không có khả năng máy bay hết nhiên liệu khi mới cất cánh.
Ông Lim cho hay ông không chắc liệu có sự cố nào xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp vì ông không có đủ thông tin.
Nếu các phi công có đủ thời gian để đưa máy bay xuống độ cao an toàn, thì họ cũng phải có thời gian để thực hiện cuộc gọi khẩn cấp.
"Các phi công đều được huấn luyện để thực hiện cuộc gọi khẩn cấp và mọi người trong cùng không phận ở cùng tần số đều có thể nghe thấy nó. Ưu tiên hàng đầu sẽ được dành cho máy bay để nó có thể hạ cánh an toàn", ông Lim nói thêm.
Máy bay đã mất tích trên vùng không phận tiếp giáp giữa Malaysia và Việt Nam.
Có vài cách để phi công phát tín hiệu khẩn cấp, thông qua liên lạc vô tuyến VHF và HF, cũng như qua liên lạc kết nối dữ liệu phi công-nhân viên kiểm soát (CPDLC).
"Đối với VHF và HF, phi công có thể nói chuyện với nhân viên kiểm soát ngay tức thì. Sử dụng CPDLC sẽ cần một khoản thời gian nhất định vì phải bấm tin nhắn SMS".
"Bất kể chuyện gì đã xảy ra chắc hẳn phải quá nhanh tới nỗi các phi công không có thời gian để phát tín hiệu khẩn cấp", ông Alan Chan nhận định.
Ông Chan cho hay máy bay cũng không mất liên lạc radar nếu chỉ gặp trục trặc liên lạc, vì hệ thống tiếp sóng sẽ vẫn tiếp tục truyền tín hiệu để nhân viên kiểm soát biết vị trí của máy bay.
Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia của Malaysia. Đây là một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Á, vận chuyển gần 37.000 hành khách mỗi ngày tới khoảng 80 điểm đến khắp thế giới.
Lộ trình giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh ngày càng trở nên phổ biến vì Malaysia và Trung Quốc đang tăng cường thương mại.
Boeing 777 cũng không gặp tai nạn chết người nào trong lịch sử 20 năm qua cho tới khi một máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana gặp tai nạn tại sân bay ở San Francisco hồi tháng 7 năm ngoái, làm 3 nữ sinh Trung Quốc thiệt mạng.
Chuyên gia hàng không David Learmount nói với hãng tin BBC rằng các máy bay chở khách ngày nay "rất đáng tín cậy và thường không gặp trục trặc bất ngờ về hệ thống khi đang bay".
Theo Dân trí