Phát hiện vết dầu loang tại khu vực máy bay bị mất liên lạc
Đến 18 giờ ngày 8-3, thông tin từ sở chỉ huy tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không - Bộ GTVT nhận được tin về chiếc máy bay MH 370 mới chỉ là phát hiện cột khói và dấu vết dầu loang tại khu vực máy bay bị mất liên lạc, cách đảo Thổ Chu (Cà Mau) khoảng 180 km. Theo Bộ GTVT, chiếc máy bay trên theo dự kiến chuyển giao cho FIR TP.HCM vào lúc 17 giờ 22 GMT ngày 7-3 (0 giờ 22 phút ngày 8-3) nhưng phía Việt Nam không nhận được tín hiệu. Sau nhiều nỗ lực, các cơ quan điều hành bay có liên quan cũng như các máy bay trong khu vực vẫn không liên lạc được với máy bay này. Bộ GTVT cũng cho hay vị trí lần cuối trên màn hình radar là phía nam trong FIR Singapore.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho công tác tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã huy động hàng chục máy bay, tàu thuyền cứu nạn để ra khu vực giáp ranh giữa vùng FIR TP.HCM và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi máy bay mất liên lạc và kiểm soát radar để tìm kiếm. Hiện các tàu cứu nạn của lực lượng quân đội, cảnh sát biển, trung tâm cứu nạn hàng hải vẫn tiếp tục tìm kiếm quanh khu vực máy bay bị mất tín hiệu.
Người thân hành khách trên chiếc Boeing 777-200ER hoảng loạn, lo lắng tại sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho hay hiện các tàu cứu nạn của Việt Nam vẫn đang trên hành trình đến khu vực này và dự kiến khoảng 23 giờ sẽ đến địa điểm phát hiện ra những dấu vết khả nghi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại sở chỉ huy cũng chưa thể khẳng định chắc chắn đó là vết dầu của máy bay bị rơi.
Nói về nguyên nhân máy bay bị mất tín hiệu, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc mất tích của máy bay MH370 là khá bất ngờ. Bởi thông thường máy bay có hệ thống phát tín hiệu tự động lên vệ tinh để định vị nhưng trường hợp này máy bay Malaysia không có tín hiệu phát đi; vệ tinh cũng không bắt được thông tin nào về máy bay. Về quy trình điều tra vụ tai nạn, ông Thanh cho hay nếu máy bay rơi vào khu vực của Việt Nam thì Việt Nam sẽ tiến hành điều tra. Ngược lại, nếu thuộc địa phận bay của Malaysia thì nước này sẽ tiến hành điều tra.
Malaysia Airlines cho biết đang tích cực điều tra
Vài giờ sau thời điểm chiếc máy bay này phải đáp xuống Bắc Kinh, hãng Malaysia Airlines tổ chức cuộc họp báo ngắn. Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Ahmad Jauhari Yahya của hãng Malaysia Airlines tại cuộc họp báo nói rằng chiếc Boeing 777-200ER mất liên lạc với kiểm soát không lưu khi đang ở trên vùng biển cách TP Kota Bharu (bang Kelantan, Malaysia) khoảng 120 hải lý.
Hãng Malaysia Airlines cho biết đã không nhận được tín hiệu báo nguy nào từ chiếc máy bay này. Malaysia Airlines cho biết đang tích cực điều tra.
Đường bay của máy bay Malaysia đến Trung Quốc chủ yếu trên vùng biển, khả năng máy bay này rơi vào yên lặng hoàn toàn là rất khó hiểu. Không thể loại trừ khả năng khủng bố, phá hoại. Theo Reuters, trong danh sách bay có một số hành khách mang tên giống như người Duy Ngô Nhĩ, ở vùng Tân Cương. Đây là vùng đang có nhiều đối tượng khủng bố gây bất ổn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa xác nhận. Nếu đúng vậy, chiếc máy bay này bị rơi do lọt vào tay bọn khủng bố là giả thiết hoàn toàn có thể xảy ra.
Dù có sự trấn an của hãng Malaysia Airlines nhưng người thân, bạn bè hành khách đi trên chiếc Boeing 777-200ER chờ đợi đón người thân ở Bắc Kinh vẫn rất bấn loạn.
Malaysia Airlines đã lập trung tâm hỗ trợ người thân hành khách ở Bắc Kinh. Thân nhân hành khách được tập trung về một khách sạn cách sân bay quốc tế Bắc Kinh 15 km để đợi thông tin.
Tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur cũng có hàng chục thân nhân hành khách đến để tìm kiếm thông tin. Người dân Malaysia được khuyến cáo không được lan truyền đồn đoán một khi chưa có thông tin chính xác.
Phó Chủ tịch Fuad Sharuji của hãng Malaysia Airlines phụ trách hoạt động các chuyến bay cho biết Malaysia Airlines nhận tín hiệu cuối cùng của chiếc Boeing 777-200ER khi chiếc này đang bay trên biển Đông, giữa không phận Malaysia và Việt Nam. Đường bay của chiếc Boeing 777-200ER có đi ngang không phận Việt Nam.
Hãng Malaysia Airlines đã nhờ đến sự trợ giúp tìm kiếm của chính phủ và quốc tế. Ngoài các cơ quan chính phủ Malaysia còn có sự tham gia hỗ trợ của các nước Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Bộ Chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương.
Thông tin từ Malaysia Airlines, số hành khách trên chiếc Boeing 777-200ER là công dân 14 nước, nhiều nhất là công dân Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết thông tin chiếc Boeing 777-200ER mất tích khiến Trung Quốc cực kỳ lo lắng, ông cầu mong chiếc máy bay an toàn, theo Reuters.
Đ.KHOA - T.VĂN
Thủ tướng chỉ đạo huy động lực lượng hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với nước bạn tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng chủ động triển khai các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tốt nhất. Malaysia Airlines được xếp hạng an toàn cao Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia Malaysia, khai thác khoảng 100 máy bay, trong đó có 15 chiếc Boeing 777-200ER. Trong lịch sử hoạt động, hãng Malaysia Airlines gặp không nhiều tai nạn. Một chiếc máy bay nhỏ Twin Otter rơi trong lúc hạ cánh ở bang Sabah (đảo Borneo, Malaysia) tháng 10-2013 làm thiệt mạng một phi công và một hành khách. Năm 1977, một chiếc máy bay của hãng này rơi tại miền Nam Malaysia, 93 hành khách và phi hành đoàn bảy người thiệt mạng. Vụ tai nạn gần đây nhất hãng Malaysia Airlines gặp phải là vào năm 1995 khi một chiếc máy bay của hãng này rơi gần TP Tawau (bang Sabah, Malaysia) làm 34 người chết. Vụ tai nạn thiệt hại nhân mạng nhất trong lịch sử hàng không Malaysia xảy ra vào ngày 4-12-1977, một máy bay cũng của hãng Malaysia Airlines bị không tặc tấn công và rơi tại Tanjung Kupang (bang Johor, Malaysia) làm toàn bộ 100 người trên máy bay thiệt mạng. Trong số nạn nhân có cả quan chức cấp cao chính phủ Malaysia và quốc tế (bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia, đại sứ Cuba tại Nhật). Theo thống kê của tờ The Guardian, 8/26 vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất từ năm 1974 đến 2009 xảy ra khi đang được chuyên chở bởi máy bay Boeing (747 và 767). Những chiếc máy bay này thuộc sở hữu của các hãng hàng không Hàn Quốc, Ai Cập, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ... Bên cạnh Boeing, Airbus (300 và 310) là loại máy bay có “tần suất” xếp thứ hai trong số các vụ tai nạn hàng không. |
Tại buổi họp báo tối 8-3 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak cho biết vẫn chưa tìm thấy tung tích chiếc Boeing 777-200ER, tin từ báo New Strait Times. Ông cho biết số lượng máy bay Malaysia triển khai tìm kiếm là 15 chiếc. Malaysia đang phối hợp chặt với nhiều nước, đặc biệt với Việt Nam và Trung Quốc để tăng hiệu quả tìm kiếm và cứu hộ. Phạm vi tìm kiếm sẽ được mở rộng trên biển Đông. Singapore đã triển khai một máy bay giúp tìm kiếm. Hải quân Mỹ cũng sẽ sớm tham gia.
Thủ tướng Datuk Seri Najib Razak đã trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về vụ việc. Cũng theo ông, thân nhân hành khách sẽ được hãng Malaysia Airlines sắp xếp vận chuyển miễn phí sang Bắc Kinh nếu có nhu cầu. Tân Hoa xã cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị quan chức Trung Quốc hợp tác chặt với Malaysia và các nước khác trong việc tìm kiếm, cứu hộ. Ông chỉ đạo Bộ GTVT và Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc tăng cường kiểm tra an ninh để đảm bảo an toàn hoạt động hàng không Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Úc đã liên lạc với người thân các công dân Úc đi trên chuyến bay. |
Cuối chiều 8-3, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam vẫn đang triển khai tìm kiếm máy bay của Malaysia chở 239 hành khách từ Malaysia đi Trung Quốc bị mất liên lạc vào rạng sáng cùng ngày. Cho đến 17 giờ ngày 8-3, công cuộc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. “Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhận được thông tin máy bay mất tích lúc 9 giờ 25 ngày 8-3. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo văn phòng ủy ban điều phối các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam. Cho đến giờ phía Việt Nam vẫn chưa nhận được đề nghị hỗ trợ của bạn nhưng chúng tôi vẫn đang cử tàu, máy bay đến tìm kiếm, cứu nạn” - Đại tá Tỵ nói. Theo Đại tá Tỵ, vị trí máy bay mất tích được xác định cách tây nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý, trên vùng biển Malaysia, cách phía nam đường chồng lấn Việt Nam-Malaysia khoảng 25 hải lý. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều nhiều tàu, máy bay tham gia tìm kiếm máy bay của nước bạn; trong đó có tàu cảnh sát biển, hai máy bay An 26, tàu cứu hộ cứu nạn, tàu hải quân… Ngoài ra, hàng loạt tàu, máy bay khác cũng được huy động chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Tại Vũng Tàu, lúc 14 giờ 30, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 3 (Vungtau MRCC, đóng tại TP Vũng Tàu) cũng đã điều tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 ra khu vực máy bay Malaysia bị rơi để cứu nạn. Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4, cho biết sáng 8-3, khi nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về việc tìm kiếm máy bay của Malaysia bị mất tích, hai tàu của Cảnh sát biển Vùng 4 là CSB 2001 và CSB 2002 đã được lệnh tiến đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia. Khoảng 18 giờ 30 tối cùng ngày, hai tàu này sẽ đến vùng biển giáp ranh trên triển khai các hoạt động tìm kiếm trong phạm vi hơn 130 km2. Theo đó, các tàu sẽ sử dụng camera hồng ngoại và camera quan sát đêm cùng nhiều trang thiết bị hiện đại khác để tìm kiếm máy bay bị nạn. Ngày 8-3, Bộ Tư lệnh Vùng 5 hải quân cũng đã lệnh cho bốn tàu cứu hộ, tàu vận tải, tàu chiến rời căn cứ vùng tại Phú Quốc đi cứu hộ, cứu nạn. Các tàu chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện khẩn cấp. Chiều cùng ngày, hai trực thăng Mi 171 của quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam xuất phát từ Cần Thơ bay về hướng Cà Mau đến tiếp cận khu vực máy bay mất tích. NHÓM PV – CTV |