Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin thân cận cho biết tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ rời cảng Busan vào trưa 21-7, kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Hàn Quốc.
Sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ đến Hàn Quốc kể từ năm 1981.
Tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ tại cảng Busan hôm 19-7. Ảnh: Cho Woo Hae/POOL/REUTERS |
Theo các chuyên gia, chuyến thăm này nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa, theo hãng Reuters.
Tăng cường năng lực răn đe
Chuyên gia nhận định việc triển khai những khí tài hạt nhân như vậy tạo ra năng lực răn đe mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên so với việc lắp đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Hàn Quốc như Washington từng làm từ năm 1958 đến 1991.
“Việc bố trí vũ khí hạt nhân ngoài khơi và trên tàu ngầm thực sự là một biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn. Năng lực răn đe chỉ được tăng cường khi kẻ thù không biết vị trí các tài sản chiến lược của Mỹ dù kẻ thù biết rằng những vũ khí này có tồn tại” - theo nhà nghiên cứu Duyeon Kim thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới.
Trong khi đó, ông Choi Il - cựu chỉ huy tàu ngầm của Hàn Quốc - cho biết sự chia sẻ hạt nhân giữa Mỹ và Hàn Quốc "đang diễn ra trên thực tế”.
“Việc tàu USS Kentucky ghé cảng Busan cho chúng ta biết rằng tàu ngầm này hoạt động ở các vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, thậm chí khi con tàu rời khỏi cảng thì khí tài hạt nhân của Mỹ vẫn luôn được triển khai ở vùng biển gần đó” - ông Choi nói.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của tàu USS Kentucky diễn ra sau cuộc tranh luận gay gắt gần đây về việc liệu Mỹ có nên tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc hay liệu Seoul có nên phát triển vũ khí hạt nhân hay không.
Mỹ cam kết tăng cường phô trương lực lượng hạt nhân và lập Nhóm Tham vấn Hạt nhân (NCG) nhằm thảo luận kế hoạch hạt nhân và chiến lược giữa các đồng minh.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu hôm 19-7 khi thăm tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ đang ghé cảng Busan. Ảnh: YONHAP |
Uy lực tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Theo chuyên gia, đa phần tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hoạt động dựa vào tính bí mật và khả năng tàng hình để đảm bảo sự tồn tại và duy trì khả năng phóng tên lửa hạt nhân khi xung đột xảy ra. Chính vì thế, việc ghé thăm công khai tại một cảng nước ngoài là rất hiếm đối với loại tàu ngầm này.
Theo ông Vann Van Diepen - cựu chuyên gia vũ khí của Mỹ - cho biết tàu ngầm hạt nhân là phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân có khả năng sống sót cao nhất trong tất cả loại khí tài hạt nhân của Mỹ, nhất là việc đảm bảo trả đũa hạt nhân áp đảo trong trường hợp kẻ thù tấn công trước.
“Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể nhắm các mục tiêu ở Triều Tiên từ bất cứ nơi nào trên bờ biển phía tây của Mỹ. Do đó, Triều Tiên luôn nằm trong tầm ngắm của các tàu ngầm hạt nhân Mỹ” - ông Van Diepen cho hay.
Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa này có khả năng bắn tới các mục tiêu cách xa 12.000 km.
Triều Tiên chưa thể có ngay tàu ngầm hạt nhân
Tàu USS Kentucky thuộc lớp Ohio nặng 18.750 tấn ghé cảng Busan vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu giảm nhiệt. Do đó, sự kiện này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 20-7 dẫn cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam rằng việc Mỹ triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom hoặc tàu ngầm tại Hàn Quốc có thể nằm trong các điều kiện pháp lý cho phép Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.
“Tôi nhắc nhở quân đội Mỹ về thực tế rằng tần suất triển khai ngày càng tăng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các tài sản chiến lược khác [tại Hàn Quốc] có thể thuộc các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong pháp luật của Triều Tiên về chính sách lực lượng hạt nhân” - ông Kang cảnh báo.
Tiếp đó, vào ngày 22-7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên bắn một số tên lửa hành trình vào biển Hoàng Hải - vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.
Bình Nhưỡng cũng có lực lượng tàu ngầm đông đảo nhưng già cỗi với nhiệm vụ chính là bảo vệ bờ biển của nước này. Triều Tiên đang tìm cách phát triển kho vũ khí tàu ngầm tên lửa, theo hãng Reuters.
Ông Van Diepen lưu ý Triều Tiên từng phóng tên lửa từ các tàu ngầm và từ năm 2016, nước này cũng đang tìm cách chế tạo một tàu ngầm mang tên lửa thông thường.
Tuy nhiên ông Van Diepen nhận định Bình Nhưỡng phải mất nhiều năm nữa mới phát triển được năng lực chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.