Triều Tiên cảnh báo khả năng tấn công hạt nhân, vẫn im lặng vụ lính Mỹ vượt biên

(PLO)- Triều Tiên cảnh báo việc Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc có thể là điều kiện hợp pháp để Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vẫn im lặng về vụ lính Mỹ vượt biên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào ngày 20-7, Triều Tiên chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc, có thể buộc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Tới thời điểm này Bình Nhưỡng vẫn chưa lên tiếng về vụ một lính Mỹ cố ý vượt biên sang Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ đang ghé thăm cảng Busan của nước này hôm 19-7. Ảnh: US NAVY

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ đang ghé thăm cảng Busan của nước này hôm 19-7. Ảnh: US NAVY

Triều Tiên cảnh báo về hạt nhân, Hàn Quốc đáp trả rắn

Cụ thể, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam rằng việc Mỹ triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom hoặc tàu ngầm tại Hàn Quốc có thể nằm trong các điều kiện pháp lý cho phép Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.

“Tôi nhắc nhở quân đội Mỹ về thực tế rằng tần suất triển khai ngày càng tăng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các tài sản chiến lược khác [tại Hàn Quốc] có thể thuộc các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong pháp luật của Triều Tiên về chính sách lực lượng hạt nhân” - ông Kang cảnh báo.

Vào năm ngoái, Bình Nhưỡng ban hành luật về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, làm dấy lên lo ngại luật này sẽ cho phép Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu để đối phó với điều mà nước này coi là mối đe dọa sắp xảy ra.

Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ đang thăm cảng Busan của Hàn Quốc. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ đến Hàn Quốc kể từ năm 1981.

Ông Kang nói rằng Washington “nên nhận ra rằng tài sản hạt nhân của họ đang đi vào vùng biển cực kỳ nguy hiểm”, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ đặt ra "mối đe dọa hạt nhân trực tiếp và rõ ràng nhất” đối với Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên cũng cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc đang vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21-7 cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "sự kết thúc" của chế độ nếu Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân vào liên minh Mỹ-Hàn.

“Trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên chống lại liên minh Mỹ-Hàn, nước này sẽ phải đối mặt với một phản ứng ngay lập tức, mạnh mẽ và quyết đoán từ chúng tôi” - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Mỹ lo về tình trạng của lính vượt biên

Binh nhì Travis T. King mặc áo đen, đội mũ đen cùng đoàn tham quan khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm hôm 18-7. Ảnh: REUTERS

Binh nhì Travis T. King mặc áo đen, đội mũ đen cùng đoàn tham quan khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm hôm 18-7. Ảnh: REUTERS

Cảnh báo trên của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh một quân nhân Mỹ - binh nhì Travis T. King - vượt biên trái phép qua biên giới liên Triều để vào Triều Tiên hôm 18-7. Tuy nhiên cho đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra phản hồi nào với Mỹ về vụ việc.

Vào ngày 20-7, các quan chức Mỹ cho biết quân đội nước này đang điều tra vụ việc và cho biết ưu tiên hàng đầu là đảm bảo Triều Tiên sẽ trao trả người, theo hãng Reuters.

“Điều khiến tôi lo lắng là binh nhì King đang nằm trong tay chính quyền Triều Tiên. Tôi lo lắng về cách họ có thể đối xử với binh sĩ này” - Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Bà Wormuth đề cập trường hợp của một sinh viên của ĐH Virginia tên Otto Warmbier bị Triều Tiên giam giữ trong hơn một năm trước khi được thả về Mỹ vào năm 2018 trong tình trạng hôn mê và chết 6 ngày sau đó.

Bà Wormuth cũng cho biết Washington thông qua các kênh liên lạc của Liên Hợp Quốc để liên lạc với Triều Tiên nhằm xác định tình trạng của binh nhì King và hợp tác với Bình Nhưỡng để đưa binh sĩ này trở về nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller lo rằng Triều Tiên thường đối xử không tốt với những người bị giam giữ tại nước này.

“Chúng tôi luôn lo ngại về cách Triều Tiên đối xử với những cá nhân bị giam giữ trong quá khứ và đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi liên lạc để xác định tình trạng sức khoẻ của anh ấy” - ông Miller cho hay, đồng thời nói thêm rằng các nỗ lực ngoại giao vẫn đang tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm