Sau cơn bão số 3 đã có hàng chục ngàn cây xanh tại Hà Nội và nhiều địa phương khác bị gãy đổ, bật gốc. Điều đáng chú ý là một số cây sau khi bật gốc đã để lộ bên dưới lớp lưới giữ bầu đất chưa được tháo dỡ khi trồng cây.
Bầu đất ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Ngọc Kỷ Văn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết những năm gần đây, diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu như mưa giông, lốc xoáy, hiện tượng triều cường gây ngập úng gia tăng.
Ngoài ra, tình trạng khô hạn, sụt giảm mực nước ngầm, nắng nóng kéo dài, mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm.
Cạnh đó, quá trình thi công các công trình ngầm, cải tạo vỉa hè... đã tác động rất lớn đến hệ thống rễ, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy nhánh, ngã đổ cây xanh nhiều trong thời gian qua.
"Việc trồng cây không đúng quy cách như còn nylon, lưới giữ bầu đất... nếu không tháo lớp vỏ bọc này sẽ khiến bộ rễ cây không thể phát triển theo thời gian. Cùng với đó, cây sẽ khó hút được nước và chất dinh dưỡng trong đất. Việc rễ cây không phát triển được sẽ khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, khó có thể đứng vững và dễ ngã đổ mỗi khi có gió lớn" - ông Văn phân tích.
Đồng tình, TS Đinh Quang Diệp - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ việc trồng cây còn bọc nguyên bầu đất bằng nylon là sai kỹ thuật bởi hệ rễ bị quấn trong bầu không bám vào đất khiến cây dễ bị đổ. Đồng thời, hệ rễ bị cắt xén nhiều nên phát triển kém và không bình thường.
Ngoài ra, hiện nay phần rễ cây trồng ở đô thị rất yếu, không bám sâu được vào đất. Nguyên nhân gây ra hệ rễ yếu có thể do cây mọc rễ chậm hoặc bị xén trong quá trình chỉnh trang đô thị, làm hạ tầng kỹ thuật và quá trình bê tông hóa quá nhiều.
Trồng cây xanh phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật
Theo ông Vũ Ngọc Kỷ Văn, năm 2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành hướng dẫn lựa chọn và trồng cây xanh đường phố trên địa bàn TP.HCM nhằm mục đích hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đang hoạt động trong lĩnh vực cây xanh đô thị “lựa chọn đúng loài cây cho đúng vị trí” và trồng cây đúng kỹ thuật theo tiêu chí đã đề ra.
Ngoài ra, các chủng loại cây được trồng không thuộc danh mục cây cấm trồng, hạn chế trồng trong đô thị theo Quyết định số 52/2013 của UBND TP.HCM là các cây có độc tố nguy hiểm cho con người, cây ăn quả, cây có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
TS Đinh Quang Diệp cũng cho rằng việc trồng cây xanh đô thị cần phải đúng tiêu chuẩn quy định.
Điển hình, cây phải có chiều cao tối thiểu 3 mét, đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 6 cm, tán cây cân đối, cây thẳng không sâu bệnh.
Ngoài ra trên thực tế, khi trồng cây chúng ta cần nghiên cứu theo cấu tạo bộ rễ, chúng được chia làm hai loại là rễ cọc và rễ chùm.
Rễ cọc thông thường sẽ có có sức chống chịu gió bão mạnh, những cây rễ chùm có bộ rễ ăn nông trên mặt đất. Việc nghiên cứu các loại rễ của cây xanh giúp chọn lựa chính xác loại cây trồng phù hợp ở đô thị cũng như những nơi dễ ảnh hưởng vì mưa bão.
Giải pháp để phát triển cây xanh đô thị
Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, công ty là nhà thầu thực hiện duy tu, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường thuộc địa bàn nhiều quận, huyện và công viên.
Công ty đang được giao chăm sóc trên 85.900 cây xanh các loại. Để cây xanh đô thị sinh trưởng và phát triển tốt, hằng năm công ty triển khai công tác duy tu chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên cây xanh như cắt, mé cành nhánh... Hệ thống cây xanh theo kế hoạch và quy trình kỹ thuật được chủ đầu tư thông qua. Công tác trồng cây phải đúng kỹ thuật và tiêu chuẩn của cây mới trồng.
Trước mùa mưa bão, công ty tăng cường công tác duy tu, chăm sóc mé nhánh nhằm hạn chế thấp nhất sự cố cây xanh.
Ngoài ra, công ty còn thực hiện công tác tuần tra phát hiện hằng ngày, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, khu vực thường xuyên tập trung đông người để kịp thời phát hiện các hư hại, khiếm khuyết như cây nghiêng, mục bọng, cây chết khô...
Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra đối với các tuyến đường có công trình thi công, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và các công trình khác gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cây xanh (cắt rễ để thi công công trình ngầm, đào xới vỉa hè làm đứt rễ, phơi lộ rễ cây…) để đề xuất chủ đầu tư kịp thời xử lý.