Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến Ukraine?

(PLO)- Chuyên gia quân sự Stephen Bryen nhận định Nga dường như đang “nghỉ xả hơi” sau nhiều tháng giao tranh để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, giành quyền kiểm soát phần lớn Ukraine, thậm chí là toàn bộ đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến sự Ukraine tiếp tục leo thang sau 4 tháng giao tranh căng thẳng. Nhiều chuyên gia nhìn nhận Nga đang dần đạt thắng lợi trước Ukraine, song cũng có nhiều người có quan điểm ngược lại.

Trong bài viết trên Asia Times, TS Stephen Bryen - chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về chiến lược và công nghệ quốc phòng - đã có một số nhận định về những điều có thể sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến này.

Nga đang chờ thời

TS Stephen Bryen nhận định Nga đang củng cố vị thế của họ ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) và đang có vẻ như tạm ngưng một số nỗ lực chính trong chiến dịch quân sự mà họ phát động ở Ukraine. Điều này được cho là để cho binh lính Nga nghỉ ngơi, tái cơ cấu, và củng cố năng lực tác chiến của các lực lượng chiến đấu.

Theo TS Bryen, khi phía Nga tiếp tục chiến đấu, họ rất có thể sẽ giành được phần lớn miền đông và miền nam Ukraine và thậm chí đe dọa thủ đô Kiev. Tuy vậy, ông cũng nói rằng với việc Mỹ cung cấp cho Ukraine lượng lớn khí tài khiến việc suy đoán những diễn biến tiếp theo trên chiến trường Ukraine gặp nhiều khó khăn.

Cảnh đổ nát ở TP Toretsk (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) sau khi bị Nga không kích ngày 17-7. Ảnh: AFP

Cảnh đổ nát ở TP Toretsk (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine) sau khi bị Nga không kích ngày 17-7. Ảnh: AFP

Có nhiều thông tin cho rằng các hệ thống tên lửa bắn loạt HIMARS mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine đã có hiệu quả cao trong việc giúp lính Ukraine đối phó lực lượng Nga. Lầu Năm Góc cho biết đã chuyển giao cho Ukraine 8 hệ thống HIMARS.

Các báo cáo cho biết rằng HIMARS đã phá hủy ít nhất một trung tâm chỉ huy của Nga, tiêu diệt nhiều sĩ quan cấp cao của Moscow, đánh tan ít nhất hai kho đạn quan trọng, cũng như làm hư hỏng nhiều hệ thống tên lửa phòng không và pháo binh Nga.

Trong khi đó, Nga cũng đã mở rộng khu vực tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr 3M-54. 5 tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã được bắn vào trung tâm TP Vinnytsia (tỉnh Vinnytsia, miền trung Ukraine), khiến ít nhất 23 dân thường thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Phía Nga nói rằng cuộc tấn công nhằm trung tâm quân sự TP Vinnytsia vì các chỉ huy Ukraine đang đàm phán với các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài ở đó. Moscow phủ nhận cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân thường.

Trong tuần qua, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev (được mở cửa trở lại vào tháng 5) đã yêu cầu tất cả người Mỹ ở Ukraine ngưng sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ càng sớm càng tốt.

Đại sứ quán cũng cảnh báo người Mỹ không nên tụ tập thành các nhóm lớn hoặc bất cứ nơi nào mà họ có thể trở thành mục tiêu bị tấn công. Theo TS Bryen, thông báo của Đại sứ quán Mỹ cho thấy họ đang lo Nga sẽ nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ.

Khả năng Nga sáp nhập Ukraine

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo rằng Ukraine có thể bị “mất chủ quyền” nếu chiến sự vẫn còn tiếp diễn. Ông Volodin nói rằng việc chính quyền Kiev và phương Tây từ chối đàm phán hòa bình không ảnh hưởng đến các kế hoạch và hành động của Nga. Tuy nhiên, sự từ chối này ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng duy trì vị thế nhà nước của Ukraine, ông Volodin tuyên bố.

Tại Ukraine, Nga đang kiểm soát nhiều TP ở miền nam Ukraine, dọc biển Azov và Biển Đen như TP Kherson, TP Mariupol,... Tuy nhiên, theo ông Bryen, hiện còn một thành phố lớn cho đến nay không nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng chắc chắn là mối quan tâm đáng kể của Moscow là Odesa. Mặc dù thỉnh thoảng có một số cuộc pháo kích vào lãnh thổ xung quanh Odesa, nhưng chưa có trận chiến lớn nào xảy ra ở TP này.

TS Bryen nhận định rằng để kiểm soát toàn bộ miền nam UKraine, Nga cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quân sự, kiểm soát toàn bộ TP Zaporizhzhia và đẩy lùi các lực lượng của Ukraine khỏi Kherson, mở ra khả năng tấn công trên bộ vào Odessa.

Ukraine đang rất nỗ lực để ngăn chặn các động thái của Nga ở khu vực phía nam. Quân đội Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào những trung tâm chỉ huy và kho vũ khí của Nga, trong đó có sử dụng HIMARS.

Giả sử Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục thúc đẩy Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tiếp tục chiến đấu và không đàm phán với Moscow, Nga có thể đáp trả theo những cách sau.

Nga có thể tiếp tục củng cố vị thế của họ tại Donetsk và Luhansk (hai chính quyền mà Moscow công nhận độc lập) và thậm chí thực hiện bước tiếp theo là sáp nhập các khu vực này vào Nga. Theo ông Bryen, có 2 dấu hiệu cho thấy khả năng Nga sáp nhập các khu vực này là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ nhất, chính quyền Nga hiện đang tham gia nhiều hoạt động của chính quyền khu vực Luhansk và Donetsk, chẳng hạn như thay đổi chương trình giảng dạy trong trường học, dùng đồng rúp Nga làm tiền tệ chính và đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính. Thứ hai là Moscow đang cấp hộ chiếu Nga cho các công dân nói tiếng Nga ở hai khu vực này.

Xu hướng này cũng được thực hiện ở các khu vực phía nam từ TP Kherson (tỉnh Kherson) đến Mariupol (tỉnh Donetsk) và các vùng khác do quân Nga kiểm soát.

Khả năng EU dỡ trừng phạt đối với Nga

Ông Bryen nhận định để kết thúc chiến sự, các bên cần đạt được một thỏa thuận chính trị. Tuy nhiên, chính phủ Ukraine hiện tại, bất chấp sức ép từ Pháp và Đức, đã từ chối đàm phán với Nga.

Trên thực tế, các cuộc thảo luận có vẻ thành công gần đây tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về xuất khẩu ngũ cốc ở Ukraine dường như giống một cuộc họp quân sự, chứ không phải một cuộc họp chính trị. Luận điểm này càng được củng cố khi đại diện nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ mặc quân phục tham gia cuộc đàm phán, theo ông Bryen.

Khi nhu cầu về dầu và khí đốt Nga ở châu Âu tăng cao vào giai đoạn cuối mùa hè này (khi thời tiết bắt đầu lạnh hơn), các nước châu Âu có thể sẽ phải thay đổi lập trường về cuộc chiến ở Ukraine, nghĩa là họ không còn cùng chí hướng với Mỹ về cuộc chiến này.

Nếu Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine và ủng hộ sự phản đối của chính quyền ông Zelensky về việc đàm phán với Moscow, ít nhất một vài nước châu Âu có khả năng sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Nếu các nước châu Âu, đặc biệt các nước lớn, chấp nhận dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga, Moscow có thể sẽ xem đây thời cơ chín muồi để tấn công Kiev.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm