Cuộc đua UAV - loại khí tài quyết định ai là người thắng kẻ thua giữa Nga và Ukraine

(PLO)- Sau 4 tháng xung đột Nga và Ukraine đang dần cạn kiệt máy bay không người lái - một loại thiết bị quân sự đóng vai trò then chốt quyết định ai là kẻ thắng người thua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin AP, chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, máy bay không người lái (UAV) lại được sử dụng nhiều như trên chiến trường Ukraine. UAV đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định ai là kẻ thắng người thua giữa Moscow và Kiev, khi cả hai lực lượng phụ thuộc rất nhiều vào loại thiết bị bay này để tập kích đối phương, trinh sát và chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh.

Cơn khát UAV

Đóng vai trò quan trọng là thế, song sau nhiều tháng giao tranh, các phi đội UAV của cả hai bên đều cạn kiệt và họ đang chạy đua để chế tạo hoặc mua thêm các loại UAV tiên tiến, có khả năng chống nhiễu để tạo lợi thế trên chiến trường.

Ngày 11-7, giới chức Nhà Trắng cáo buộc Iran đang “gấp rút cung cấp cho Nga vài trăm UAV”. Ông Samuel Bendett - chuyên gia tại tổ chức tư vấn quân sự CNA có trụ sở tại Washington (Mỹ) - nói rằng hiện Nga đang cạn kiệt UAV và có thể sẽ tìm kiếm loại thiết bị này ở Iran. Ông còn cho rằng năng lực phát triển UAV hiện đại của Tehran là không thể xem thường.

Nhu cầu về các mẫu máy bay bán sẵn vẫn rất cao ở Ukraine. Quân Kiev đã nỗ lực nâng cấp UAV để làm cho chúng có khả năng chống nhiễu tốt hơn. Theo AP, Ukraine cũng đang phát động chiến dịch gây quỹ nhằm xây dựng một “Đội quân UAV”.

Một chiếc Bayraktar TB-2 - UAV thả bom dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG LITHUANIA

Một chiếc Bayraktar TB-2 - UAV thả bom dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG LITHUANIA

Trả lời báo giới về chiến dịch này hôm ngày 13-7, ông Yuri Shchygol, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ thông tin và Liên lạc đặc biệt Ukraine (SSSCIP) nói rằng số lượng UAV mà họ cần là rất lớn. Ông cho biết Ukraine ban đầu đặt mục tiêu mua 200 UAV chuẩn NATO, song hiện yêu cầu nhiều hơn gấp 10 lần.

Các chiến binh tinh nhuệ Ukraine phàn nàn rằng họ không có các UAV cần thiết để đối phó với hoạt động tác chiến điện tử của Nga. Bayraktar TB-2 (UAV thả bom dẫn đường bằng laser do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất) từng gây nhiều thiệt hại cho Nga hồi đầu chiến sự giờ cũng trở nên kém hiệu quả trên chiến trường Donbas (miền đông Ukraine) - nơi Moscow tăng cường đáng kể hoạt động tác chiến điện tử.

Theo ông Maksym Muzyka - người sáng lập UA Dynamics, hãng sản xuất UAV của Ukraine, nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine là UAV chỉ điểm giúp pháo binh tầm xa do phương Tây cung cấp có thể nhắm chính xác các mục tiêu ở xa.

Hồi giữa tháng 6, ông Mykhailo Podolyak (cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky) đã có một bài đăng trên Twitter cho biết rằng Ukraine cần tới 1.000 UAV nếu muốn kết thúc chiến sự.

AP dẫn lời một chỉ huy đơn vị trinh sát Ukraine rằng phía Nga đang ở vị thế tốt hơn nhiều vì sở hữu UAV tầm xa được thiết kế để né tránh các loại hình tác chiến điện tử. Tuy nhiên, có vẻ như Moscow cũng đang gặp vấn đề về số lượng UAV.

Hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết nước này đang đẩy mạnh sản xuất thêm nhiều UAV "mặc dù không thể thực hiện được ngay lập tức". Ông Bendett thì nhận định rằng “lực lượng UAV của Nga có thể vẫn còn khả năng tác chiến, song đã cạn kiệt”, đồng thời nói thêm rằng Moscow đã mất khoảng 50 UAV Orlan-10.

Cuộc đua UAV

Ngoài những chiếc UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác cũng đã vận chuyển hàng trăm UAV khác cho Ukraine, bao gồm loạt UAV Switchblade 600 chống tăng có phạm vi hoạt động 10 km, tốc độ bay 160 km/giờ và thời gian bay tối đa khoảng 40 phút.

Hồi tháng 5, Nhà Trắng cũng đã cung cấp cho Kiev 121 UAV quân sự tiên tiến có tên là Phoenix Ghosts, có khả năng tiếp cận các kho đạn và các sở chỉ huy của Nga.

Thông số kỹ thuật của chúng hầu hết đều không được tiết lộ, nhưng theo ông David Deptula - thành viên hội đồng quản trị nhà thầu quốc phòng Mỹ Aevex Aerospace, UAV Phoenix Ghosts có thể bay trong 6 giờ và phá hủy các phương tiện bọc thép. Đặc biệt, loại UAV này còn được trang bị camera hồng ngoại giúp chúng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ban đêm.

Như đã đề cập, Ukraine hiện đang phát động chiến dịch gây quỹ nhằm xây dựng một “Đội quân UAV” bằng nguồn tiền tư nhân để mua UAV quân sự từ các nước trên thế giới.

Theo hãng tin AFP, người dân Ukraine và những người ủng hộ ở nước ngoài đã quyên góp được khoảng 13,5 triệu euro (tương đương 13,5 triệu USD hiện nay) dùng để mua 200 UAV giai đoạn đầu. Các UAV này được trang bị camera nhiệt ảnh, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và phần mềm bản đồ.

Ông Shchygol thì cho biết rằng đội ngũ mua sắm đã liên lạc với các nhà sản xuất Ba Lan và đã tìm được nguồn cung cấp 4 UAV chiến thuật. Họ đang xem xét khả năng ký kết thỏa thuận với Israel, Nhật, Bồ Đào Nha và Mỹ, ông nói thêm.

Trao đổi với đài CNN hồi tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jack Sullivan đã nói rằng Mỹ “có thông tin chính phủ Iran đang có kế hoạch bán hàng trăm UAV cho Nga để sử dụng ở Ukraine, gồm UAV có khả năng mang vũ khí”.

Ông Sullivan đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy một phái đoàn Nga đã đến thăm sân bay Kashan (miền trung Iran) ít nhất hai lần trong tháng trước, để xem các loại UAV có khả năng mang vũ khí. Theo ông, Tehran đã giới thiệu cho Moscow các UAV Shahed-191 và Shahed-129 tại sân bay Kashan. Cả hai loại UAV này đều có khả năng mang tên lửa dẫn đường chính xác.

Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine - ông Dmytro Kuleba ngày 15-7, Bộ trưởng Ngoại giao Iran - ông Hossein Amirabdollahian đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ và nói rằng Tehran sẽ không làm bất cứ điều gì khiến giao tranh kéo dài. Phía Nga thì vẫn chưa bình luận về tuyên bố của Washington.

Theo tờ The Washington Post, nếu điều này là sự thật, số UAV của Iran có thể giúp Moscow bổ sung một hệ thống vũ khí quan trọng vốn đã bị tổn thất trong 4 tháng giao tranh qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm