Sữa rất giàu vitamin, khoáng chất, protein, chất béo tốt và carbohydrate. Tuy nhiên, sữa bị hỏng sẽ không có tác dụng gì nhiều ngoài việc khiến bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa.
Kiểm tra mùi, độ đặc và màu sắc của sữa… là một trong những cách đơn giản để biết sữa có bị hỏng hay không. Lưu ý, ngay cả khi sữa chưa hết hạn sử dụng thì vẫn có nhiều yếu tố khác có thể khiến sữa bị hỏng trước thời hạn.
Sữa có thể để ngoài tủ lạnh bao lâu?
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), sữa có thể để được khoảng 2 tiếng ở nhiệt độ phòng sau khi lấy khỏi tủ lạnh. Con số này thậm chí còn thấp hơn nếu bạn để sữa ở những khu vực quá nóng. “Nếu nhiệt độ trên 32 độ C, không nên để thực phẩm quá 1 tiếng”, FDA nhấn mạnh.
Ngộ độc thực phẩm và bệnh tật do thực phẩm thường phổ biến hơn chúng ta nghĩ. FDA ước tính có hơn 48 triệu trường hợp mỗi năm, trong đó có 128.000 trường hợp phải nhập viện.
Sữa để được bao lâu tùy thuộc vào lượng chất béo và đường lactose trong sữa. Sữa nguyên chất chỉ có thể để được 5 ngày sau ngày hết hạn. Tuy nhiên, sữa không chứa lactose hoặc không béo có thể để được tới 10 ngày sau ngày hết hạn.
Nếu sữa hết hạn sử dụng hơn một tuần thì bạn nên bỏ ngay lập tức, ngay cả khi nó trông bình thường và không có mùi hôi.
Cách kiểm tra sữa có bị hỏng hay không
- Kết cấu/màu sắc: Sữa tươi mịn, loãng và có màu trắng. Sữa hư có thể bị vón cục, đặc và/hoặc hơi vàng.
- Mùi: Sữa tươi hầu như không có mùi (hoặc nếu có thì không gây khó chịu). Mùi khó chịu là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy sữa đã bị hỏng.
- Hương vị: Nếu sữa có vẻ có mùi khó chịu thì bạn không nên nếm thử.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống sữa bị hỏng
Sữa bị hỏng thường sẽ bị vón cục và có mùi do vi khuẩn phát triển quá mức. Hầu hết mọi người sẽ dừng lại ngay lập tức sau khi uống nhầm sữa bị hỏng. Đó là một điều tốt, bởi vì một ngụm sẽ không khiến bạn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu uống một lượng lớn sữa bị hỏng, bạn có thể gặp một số vấn đề về tiêu hóa.
Sữa bị hỏng có thể gây ra:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Thông thường, những triệu chứng này sẽ tự giảm bớt trong vòng 12-24 tiếng. Trong thời gian này, bạn hãy uống nhiều nước, chia thành từng ngụm (đặc biệt là những chất tăng cường chất điện giải) và nghỉ ngơi. Nếu cảm thấy lo lắng, người dùng có thể đến các cơ sở sức khỏe tại địa phương để được hỗ trợ.
Cách kéo dài tuổi thọ của sữa
- Giữ sữa ở nhiệt độ dưới 4 độ C: Sữa nên được giữ lạnh mọi lúc. Nếu để hộp sữa ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, sữa sẽ nhanh hỏng hơn.
- Tránh để sữa tiếp xúc với ánh sáng: Sữa đựng trong hộp nhựa hoặc thủy tinh trong suốt sẽ không để được lâu bằng sữa đựng trong hộp bìa cứng hoặc nhựa màu. Sữa bị hỏng khi tiếp xúc với ánh sáng, thậm chí việc tiếp xúc tạm thời khi mở và đóng cửa tủ lạnh cũng sẽ làm giảm thời hạn sử dụng của sữa.
- Đậy kín hộp đựng sữa: Sữa tươi tiếp xúc với không khí có thể bị hỏng ngay cả khi được bảo quản đúng cách. Do đó, hãy đảm bảo nắp hộp sữa đã được vặn chặt sau khi sửa sử dụng.
- Đông lạnh sữa: Đây là giải pháp cuối cùng nếu bạn không thường xuyên sử dụng sữa. Khi bạn đông lạnh sữa, nó sẽ thay đổi kết cấu và màu sắc một chút.