Nhóm gồm 40 quốc gia đang gửi vũ khí sang Ukraine dường như đã làm được những điều tưởng như không thể, nhưng bây giờ mới đến phần khó khăn, theo tờ Politico.
|
Binh sĩ Ukraine bịt tai lại khi bắn lựu pháo D-30. Ảnh: AFP |
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tập hợp các chỉ huy quốc phòng của hơn 40 quốc gia ở tây nam nước Đức vào mỗi tháng, cuộc họp kéo dài hàng giờ thường kết thúc theo cùng một cách. Đó là Celeste Wallander, người đứng đầu các vấn đề an ninh quốc tế của Lầu Năm Góc, đề nghị mỗi người tham gia đọc những vũ khí mà quốc gia của họ sẵn sàng tài trợ cho Ukraine.
Điều đó đã biến nhóm kín các nhà lãnh đạo – được biết đến với cái tên Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine – trở thành lực lượng trọng tâm nhưng bí mật trong việc trang bị cho quân đội Ukraine mọi thứ, từ tên lửa chính xác cho tới xe tăng chiến đấu chủ lực. Nhóm cũng giúp Ukraine xây dựng một quân đội đặc biệt và hiện đại đáng kinh ngạc, có lẽ đã vượt qua cả một số thành viên lâu đời của NATO.
Ra đời từ những ngày đầu xung đột
Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ra đời không phô trương ngay từ những ngày đầu nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Trong thời gian chuẩn bị cho một chuyến đi bí mật đến Ukraine chỉ một tháng sau khi Nga tấn công Ukraine, Bộ trưởng Austin đã nhận ra một vấn đề lớn đang nảy sinh.
Ukraine đã vượt qua làn sóng tấn công ban đầu của Nga, nhưng rõ ràng là Mỹ và các quốc gia khác sẽ cần phải vượt qua những nghi ngại trước đây về việc trang bị vũ khí cho Ukraine và cam kết lâu dài. Trong những ngày đầu đó, không ai điều phối các thiết bị mà các quốc gia bắt đầu nhanh chóng cam kết, đặt ra nguy cơ dẫn đến một tính toán sai lầm nghiêm trọng.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và người đồng cấp Ukraine Olexij Resnikow trao đổi trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein (Đức) hôm 20-1. Ảnh: Marco Steinbrenner/DeFodi Images/Getty Images |
“Tôi đã thực hiện nhiều cuộc điện thoại trao đổi với các quốc gia, ‘Các ông có thể gửi cái này không’, và tôi nghĩ đó là thời điểm nảy sinh ý tưởng. Không, chúng ta cần tập hợp những người đóng góp chính cho Ukraine lại với nhau để có thể hiểu quy mô của công việc này’” – ông Wallander cho biết.
Ông Austin đã đặt tên cho nhóm là Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, họp lần đầu tiên vào ngày 26-4-2022 tại Ramstein. Chính cuộc họp đó đã khởi động quá trình viện trợ Ukraine.
Rạn nứt xuất hiện
Tuy nhiên, bên lề cuộc họp hôm 21-4 vừa qua của nhóm trong một phòng khiêu vũ ốp gỗ tại căn cứ không quân Ramstein do Mỹ điều hành, rõ ràng là việc duy trì sự đoàn kết – điều mà nhóm đã thành công trong hơn một năm qua – đang đứng trước thách thức ngày càng tăng.
Một số rạn nứt đã xuất hiện trong nhóm gần đây, đặc biệt là về việc có nên gửi máy bay chiến đấu của phương Tây đến Ukraine hay không và trình trạng vận chuyển vũ khí chậm trễ, trong đó có xe tăng của Đức và Tây Ban Nha. Đồng thời, việc chuyển giao hàng loạt vũ khí cho Ukraine đã khiến các quốc gia tài trợ lo lắng về kho dự trữ của họ. Các cuộc họp gần đây đã bắt đầu xoay quanh vấn đề các đồng minh NATO tự trang bị lại cho nước họ cũng như duy trì dòng vũ khí cho Ukraine trong thời gian dài.
“Chúng tôi đã làm được rất nhiều về khoản đóng góp, nhưng bây giờ câu hỏi đặt ra nhiều hơn là tính bền vững. Bên cạnh hỗ trợ Ukraine, chúng tôi cũng cần bổ sung kho dự trữ của chính mình, đúng không?” - ông Esa Pulkkinen, quan chức Bộ Quốc phòng Phần Lan, cho biết khi tham gia họp tại căn cứ Ramstein vào tháng trước.
|
Một cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine ở Ramstein. Ảnh: AFP |
Các cuộc họp ở Ramstein thường là những sự kiện đã được lên kịch bản, trong đó các bộ trưởng đọc từ các ghi chú đã được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, các cuộc họp cũng che giấu những khác biệt đáng kể giữa các chính phủ đang trang bị vũ khí cho Ukraine. Các nước Đông Âu như Ba Lan và Estonia đã tiến mạnh trong việc cung cấp viện trợ, trong khi Đức và Pháp thường tụt phía sau. Đại diện Mỹ, cụ thể là ông Austin đôi khi cũng phải đứng giữa hai bên.
Trong khi đó, Kiev liên tục yêu cầu thiết bị nhiều hơn và tốt hơn, chẳng hạn như quyết định gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams vào tháng 1 diễn ra khi các quan chức Ukraine tiếp tục vận động gửi máy bay chiến đấu F-16.
Vấn đề chiến đấu cơ quá quan trọng và sự chia rẽ giữa các bên tham dự về việc có nên gửi máy bay phương Tây hay không đã phơi bày tại cuộc họp gần đây nhất ở Ramstein. Trong khi Bộ trưởng Austin và các quan chức Mỹ đã nói rõ họ không tin F-16 là cần thiết cho cuộc chiến hiện tại thì những người khác cho biết nhóm vẫn đang tranh luận về vấn đề này.
“Có một cuộc thảo luận đang diễn ra về các loại máy bay chiến đấu khác” – Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên trong giờ giải lao của cuộc họp.
Một số người dường như chắc chắn rằng máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ hướng đến Kiev vào một thời điểm nào đó.
Đã có lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Bộ trưởng Austin sử dụng cuộc họp Ramstein để tiếp tục kêu gọi những người đồng cấp với ông hành động nhiều hơn để giúp đỡ Ukraine. Hồi tháng 1, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối gửi xe tăng Leopard nếu Mỹ không gửi xe tăng Abrams trước, ông Biden đã nhờ ông Austin đưa ra lời kêu gọi cuối cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại cuộc họp của nhóm vào tháng đó. Cuối cùng, ông Biden đã bật đèn xanh cho xe tăng Abrams, mở đường cho Đức chuyển giao xe tăng Leopard.
Một số quốc gia vẫn tỏ ra thất vọng trước tốc độ đóng góp chậm chạp của Đức.
Thách thức mới
Một số cuộc họp gần đây nhất của nhóm hỗ trợ Ukraine đã chứng kiến các đồng minh bắt đầu suy nghĩ kỹ về cách tìm nguồn tiền và năng lực công nghiệp để thay thế các thiết bị được gửi đến Ukraine.
Bên cạnh đó, nhóm cần phải vượt qua hàng loạt lợi ích cục bộ và làm một việc thậm chí còn khó khăn hơn, đó là cùng nhau sản xuất đạn dược và các vật tư khác khi xung đột ở Ukraine kéo dài và các dây chuyền sản xuất riêng lẻ đã đến điểm giới hạn.
|
Quân đội Tây Ban Nha chuẩn bị xe tăng Leopard 2E trong buổi huấn luyện cho binh sĩ Ukraine bên ngoài TP Zaragoza (Tây Ban Nha) hôm 13-3. Ảnh: Paul Hanna/Bloomberg/ Getty Images |
Một vấn đề gây chia rẽ khác là tỉ lệ chi tiêu quốc phòng của các đồng minh. Báo cáo thường niên của NATO công bố hồi tháng 3 cho thấy dù các thành viên khối quân sự này cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng chỉ có 7/30 quốc gia đạt được mục tiêu 9 năm qua là chi 2% GDP cho quốc phòng, ít hơn 2 quốc gia so với mục tiêu vào năm 2021.
Các xu hướng khác mới xuất hiện tại các cuộc họp ở Ramstein cũng gây thất vọng cho một số người tham gia. Theo hai nhà ngoại giao châu Âu, một số quốc gia đã liên tục hứa hẹn gửi thiết bị cho Ukraine nhưng dường như không bao giờ chuyển đến.
Bất chấp những rạn nứt đang nổi lên, việc gắn bó lâu dài với Ukraine đã trở thành chủ đề bàn luận của tất cả đồng minh NATO kể từ khi xung đột nổ ra. Và thậm chí với một số chậm trễ trong việc cung cấp thiết bị như đã hữa, các khoản đóng góp vẫn tiếp tục chảy qua biên giới đến Kiev. Và 14 tháng sau, không có thay đổi nào về lập trường đó.