Nga sử dụng vũ khí mới, Ukraine có thể phải thay đổi kế hoạch phản công vào phút chót?

(PLO)- Không quân Ukraine nói những quả bom lượn tầm xa của Nga đặt ra mối đe dọa rất nghiêm trọng.Giới phân tích nhận định việc Moscow sử dụng vũ khí mới này có thể buộc Kiev phải thay đổi kế hoạch phản công vào phút chót.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không quân Ukraine thừa nhận họ không thể chống lại các quả bom lượn tầm xa của Nga tại khu vực tiền tuyến, đồng thời rất cần máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất để ngăn chặn các cuộc tấn công liên tục của Nga.

Ukraine rất cần tiêm kích F-16 để đối phó bom lượn của Nga

Theo tạp chí Newsweek, ông Yuriy Ihnat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, nói với báo giới tại buổi họp báo hôm 2-5 rằng máy bay Nga thả hàng trăm quả bom hàng không dẫn đường – còn gọi là bom lượn xuống các vị trí quân sự và khu dân sự của Ukraine gần tiền tuyến. Đây là một loại bom tiêu chuẩn thả từ trên không được trang bị cánh và hệ thống định vị để có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn.

Tiêm kích F-16 Block 70 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

Tiêm kích F-16 Block 70 của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

“Hằng ngày, có 20 đến 200 quả bom hàng không dẫn đường được sử dụng ở rìa trước của khu vực chiến đấu. Những quả bom này có thể bay khoảng 70 km, và chúng có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, trường mẫu giáo, khu dân cư và các cơ sở y tế, giáo dục” – ông Ihnat cho biết.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi các nước ủng hộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp máy bay do phương Tây sản xuất, đặc biệt là F-16 của Mỹ. Ba Lan và Slovakia đều đã gửi chiến đấu cơ do Liên Xô sản xuất cho Ukraine nhưng việc đạt được sự đồng thuận về cung cấp F-16 thì khó khăn hơn.

Ông Ihnat nói rằng F-16 là giải pháp duy nhất cho vấn đề bom lượn đang gia tăng tấn công Ukraine.

“Mọi người đều biết câu trả lời; chúng tôi cần một bàn tay dài để tiếp cận kẻ thù ở khoảng cách xa hơn những gì chúng tôi có thể làm bây giờ. Chúng tôi đang chờ quyết định về loại máy bay cánh cố định này” – ông Ihnat nói.

“Các tiêm kích F-16 có thể chống lại máy bay Nga hiệu quả dọc theo rìa phía trước của khu vực chiến đấu. Nếu chúng tôi có F-16 làm nhiệm vụ ở phía bắc không phận đất nước, điều đó sẽ làm giảm năng lực của đối phương tiếp cận biên giới chúng tôi và sử dụng những quả bom dẫn đường đó” – ông Ihnat giải thích.

“Không nhất thiết phải bắn hạ máy bay đối phương nhưng chúng tôi cần có một đối số phản công mạnh mẽ như F-16. Điều đó sẽ làm giảm quyết tâm của kẻ thù xâm nhập lãnh thổ chúng ta” – ông Ihnat nói thêm.

Bom lượn UPAB-1500B của Nga. Ảnh: Telegraph

Bom lượn UPAB-1500B của Nga. Ảnh: Telegraph

Các nước phương Tây đến nay từ chối cung cấp F-16 hoặc máy bay khác cho Ukraine với những lập luận như sẽ mất quá lâu để huấn luyện phi công Ukraine vận hành hệ thống mới, chưa kể cơ sở hạ tầng quan trọng cũng cần được xây dựng để tiếp nhận máy bay do NATO sản xuất.

Tuy nhiên, ông Ihnat cho hay không quân Ukraine đang chuẩn bị cho những lo ngại đó.

“Phi công của chúng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu huấn luyện với loại máy bay mới. Chúng tôi hiểu rằng đó có thể là F-16, nhưng nếu quyết định được đưa ra, phi công của chúng tôi sẽ ngay lập tức lên đường tới quốc gia đó để huấn luyện” – ông nói.

Giải pháp nào cho Ukraine?

Trao đổi với báo Telegraph, ông Ihnat nói những quả bom lượn của Nga đã đặt ra mối đe dọa rất nghiêm trọng.

Khi thế giới chờ đợi cuộc phản công dự kiến của Ukraine, giới phân tích Ukraine và phương Tây nhận định việc Nga sử dụng vũ khí mới này có thể buộc Kiev phải thay đổi kế hoạch phản công vào phút chót.

Thông số kỹ thuật và khả năng của mỗi loại vũ khí lượn – được sửa đổi hoặc sản xuất – khác nhau đáng kể. Một số vũ khí lượn được cho có tầm hoạt động lên tới 120 km và có thể đánh trúng mục tiêu trong bán kính 10 m. Tuy nhiên, thông thường nhất, người ta cho rằng bom lượn mà Nga sử dụng có phạm vi hoạt động 48 km – 72 km.

Bất luận hiệu quả ra sao, bom lượn mang lại cho phi công tiêm kích Nga khả năng sử dụng sức mạnh trên không một cách hiệu quả để gây ảnh hưởng lên các hoạt động mặt đất.

Các chuyên gia quân sự phương Tây cho hay bom lượn có khả năng phản hồi radar ít hơn vũ khí tầm xa thông thường, khiến Ukraine khó theo dõi hơn. Các radar không phải lúc nào cũng có thể phát hiện vật thể bay ở tầm thấp, do đó kích cỡ nhỏ bé của bom lượn càng khiến chúng khó được nhìn thấy trên radar.

Máy bay ném bom chiến thuật Su-24M của Nga. Ảnh: Universal Images Group Editorial

Máy bay ném bom chiến thuật Su-24M của Nga. Ảnh: Universal Images Group Editorial

Các kỹ thuật gây nhiễu điện tử và chống radar được Nga triển khai đồng nghĩa quân đội Ukraine chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để nhắm mục tiêu khi những quả bom lượn lộ diện.

Những tuần gần đây, Nga tăng cường số lượng các cuộc tấn công tầm xa, sử dụng UAV tự sát, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhằm vào các TP của Ukraine với hy vọng làm cạn kiệt kho tên lửa phòng thủ của Kiev.

Những cuộc tấn công này đặt ra câu hỏi ở Kiev về việc có nên chuyển các hệ thống phòng không ra khỏi các trung tâm dân cư để hỗ trợ cho cuộc phản công sắp tới hay không.

Một giải pháp được gợi ý là đối phó những quả bom lượn đang lao tới bằng hệ thống phòng không Patriot hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa khác. Tuy nhiên, những tên lửa này đắt đỏ và phải được giữ cách xa mặt trận để không bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Nga.

Giải pháp tốt nhất, theo ông Ihnat, sẽ là các máy bay chiến đấu hiện đại của phương Tây, đặc biệt là F-16. F-16 có radar và tên lửa không đối không tầm xa hơn so với các chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 cũ kỹ mà Ukraine đang sử dụng.

“Chỉ một hoặc hai chiếc là đủ để ngăn chặn chúng, vì người Nga sẽ nhìn thấy những máy bay này và sẽ tránh tiếp cận” – ông Ihnat nói.

Hiện giờ, Kiev sẽ phải lên kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc phản công để tránh thất bại bởi sự hiện diện của bom lượn Nga.

Theo ông Justin Crump, nhà phân tích quân sự tại công ty tư vấn tình báo Sibylline, Ukraine sẽ cần “phòng thủ đáng kể” trên tiền tuyến khi quân đội của họ gặp phải các vị trí án ngữ như bến ngang sông hay vị trí được đào sẵn của Nga, nơi họ dễ bị tấn công bằng đường không.

Nếu Nga giành được ưu thế trên không, điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc các điểm tập kết của binh sĩ cũng như các nút chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần của Ukraine trở nên dễ bị tổn thương.

Ukraine sẽ phải thành thạo nghệ thuật đánh lừa và chiến tranh cơ động cao nhằm giảm bớt mối đe dọa trên không tiềm tàng từ quân đội Nga.

“Điều này có nghĩa là, ví dụ, phân tán quân đội rộng rãi khi không tham chiến nhưng có thể tập hợp họ lại nhanh chóng khi cần – điều mà quân đội Anh và Mỹ đã nhiều lần đúc kết trong các cuộc tập trận gần đây. Sự phân tán và tập trung nhanh chóng là điều rất quan trọng trong môi trường này” – ông Crump nhấn mạnh.

Nhưng suy cho cùng, bom lượn mà quân đội Nga triển khai không phải viên đạn bạc, và sẽ đóng vai trò hạn chế trong cuộc tấn công sắp tới nếu Ukraine có thể duy trì sự phòng không trên tiền tuyến.

“Đó là một công nghệ cũ đã tồn tại trong nhiều năm. Nga chỉ bắt đầu sử dụng chúng rộng rãi hơn trong tháng qua” – ông Ihnat cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm