Điều kiện rộng mở cho nông dân, lao động tự do có lương hưu

(PLO)-  Khi tham gia BHXH tự nguyện, lúc về già, người nông dân, người lao động tự do cũng có cơ hội được nhận lương hưu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê, TP Thủ Đức (TP.HCM) còn khoảng 100.000 người, chiếm trên 10% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); nông dân và người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện chưa tới 3.500 người.

Nhằm tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho hội viên nông dân và người dân, mới đây cơ quan BHXH TP Thủ Đức cùng Hội Nông dân TP.HCM phối hợp tổ chức Hội nghị truyền thông BHXH, BHYT để hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận chính sách tốt hơn.

Những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện

Theo cơ quan BHXH TP.HCM, người dân khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng năm quyền lợi chính.

Một là, khi đến tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng.

Hai là, những người này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí khi đang hưởng lương hưu.

Ba là, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ năm năm trở lên mà qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.

Bốn là, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.

Cuối cùng là, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm.

Tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) được tư vấn quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) được tư vấn quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết: Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.

Ngoài những phân tích về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên viên BHXH TP Thủ Đức, cũng cho biết những chính sách về BHYT hộ gia đình. Đồng thời giải đáp những thắc mắc về quyền lợi hưởng, mức hưởng BHYT; quy định về chuyển tuyến, thông tuyến khám chữa bệnh, thẻ BHYT cho hộ nghèo, sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh vượt tuyến; chế độ hưu trí, trợ cấp cho người có công…

Qua những thông tin trên sẽ giúp các cán bộ, hội viên nông dân nắm được những nội dung cơ bản của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, hội viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực trong việc chuyển tải các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến với những hội viên nông dân khác trên địa bàn; giúp mọi người hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để từ đó tự nguyện, tích cực tham gia.

Lý do người dân chưa tham gia BHXH, BHYT tự nguyện

Tính đến hết ngày 30-4, ước tính cả nước có trên 16,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc: 15,3 triệu; số người tham gia BHXH tự nguyện: gần 1,3 triệu. Số người tham gia BHYT: trên 85,8 triệu, đạt tỉ lệ 86,8% dân số.

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH.

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), là người lao động tự do, có những chia sẻ lý do vì sao chưa tham gia BHXH tự nguyện. Chị Hồng cho biết chị bán rau ngoài chợ, thu nhập một ngày được hơn 200.000 đồng. Nếu trừ chi phí và tiền sinh hoạt gia đình, chị để dành được khoảng 50.000 đồng/ngày. Vì số tiền để dành không nhiều nên chị không gửi tiết kiệm hay đầu tư gì.

“Về già, tôi cũng muốn có một khoản tiền hằng tháng để không là gánh nặng cho con cháu. Nhưng nghĩ lương hưu chỉ dành cho người làm việc tại cơ quan nhà nước hay ở công ty, chứ người lao động tự do như tôi là không được. Nghe nhân viên tư vấn làm lao động tự do, hằng ngày chỉ cần tiết kiệm khoảng 10.000 đồng thì về già sẽ có thể được nhận lương hưu. Nếu vậy, sắp tới tôi sẽ tham gia BHXH tự nguyện” - chị Hồng chia sẻ.

Ông Trần Văn Hùng (nông dân trồng mai tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết ông đã từng nghe qua BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn đang phân vân có nên tham gia hay không: “Bởi nếu như hiện tại mình đóng phí thì tiền vẫn còn giá trị nhưng khoảng 20 năm sau, với số tiền mình nhận lương hưu liệu có đủ sống. Nay được biết lương hưu được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, vậy thì tôi yên tâm và sẽ tham gia BHXH”.

Mức đóng và cách đóng BHXH tự nguyện

Về mức đóng, theo khoản 2 Điều 87 Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng.

Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1,5 triệu đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng).

Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng.

Cụ thể, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền được hỗ trợ là 99.000 đồng/tháng; người tham gia thuộc hộ cận nghèo thì số tiền hỗ trợ là 82.500 đồng/tháng và đối tượng khác số tiền được Nhà nước hỗ trợ là 33.000 đồng/tháng.

Hình thức đóng có định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá năm năm. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí.

(Theo BHXH TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm