Ngày 30-6, sau gần ba tháng qua thu thập thông tin và vào làm phụ bếp, báo Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp cho Công an TP Đà Nẵng và Công an tỉnh Lâm Đồng về các cơ sở kinh doanh nội tạng Trung Quốc, nội tạng không rõ nguồn gốc và các quán ăn.
Công an thu giữ nửa tạ vú heo trôi nổi trong kho hàng tại Đà Nẵng
Từ thông tin phối hợp của báo, sáng 30-6, công an ở hai địa phương này đã đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, quán nhậu mua bán mặt hàng này.
Nhân viên đang chế biến món vú heo trôi nổi, vú heo Trung Quốc thành món nầm bò cho thực khách tại quán “Bò tơ Đà Lạt”, 118 Hùng Vương. Ảnh: MINH HẬU |
Tại kho hàng của cơ sở kinh doanh Hải Sản Đà Thành ở số 12, đường Chơn Tâm 8, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, thời điểm vào kiểm tra, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Liên Chiểu phát hiện hai thùng vú heo Trung Quốc nhập lậu trọng lượng 50 kg, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ.
Làm việc với Công an quận Liên Chiểu, ông LHH, chủ cơ sở kinh doanh Hải Sản Đà Thành, cho biết số vú heo trên ông mua qua mạng xã hội của một người không rõ lai lịch từ Hà Nội, sau đó chuyển về Bến xe Đà Nẵng và ông đến nhận, đưa về cơ sở kinh doanh của mình. Số thực phẩm trôi nổi này sẽ được ông giao bán cho các quán nhậu, các nơi đặt hàng.
Sáng 30-6, Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng kiểm tra kho hàng “Hải Sản Đà Thành” ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, phát hiện 50 kg vú heo không rõ nguồn gốc chuẩn bị đi giao cho khách. Ảnh: HẢI HIẾU |
Công an cũng ghi nhận trong kho, tủ đông của cơ sở này chứa nhiều mặt hàng thực phẩm đông lạnh khác.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này không xuất trình được giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với số nội tạng nói trên. Công an quận Liên Chiểu còn xác định chủ kho hàng này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm...
Công an quận Liên Chiểu đã tịch thu 50 kg vú heo nói trên đem đi tiêu hủy và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm của cơ sở này.
Đây là địa điểm mà trước đó chúng tôi ghi nhận đã nhiều lần chuyển vú heo cho các quán nhậu ở Đà Lạt để thành món nầm bò trên bàn nhậu.
Gần 1 tấn vú heo, dồi trường Trung Quốc ở kho và quán tại Đà Lạt
Cũng trong sáng 30-6, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ đạo Công an TP Đà Lạt phối hợp với báo Pháp Luật TP.HCM kiểm tra bốn công ty kinh doanh thực phẩm đông lạnh và quán nhậu trên địa bàn TP Đà Lạt.
Cũng trong sáng 30-6, Công an TP Đà Lạt phát hiện trong kho của Công ty Thực phẩm Việt Hà Tây Nguyên và Công ty Khủng Long Sữa (cùng có địa chỉ 46 Đinh Công Tráng, phường 7, TP Đà Lạt) chứa gần 1 tấn vú heo, dồi trường không rõ nguồn gốc. Ảnh: MINH HẬU |
Lúc 9 giờ sáng 30-6, Đại tá Trần Vĩnh Phú, Trưởng Công an TP Đà Lạt, đã trực tiếp chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế đến Công ty Thực phẩm Việt Hà Tây Nguyên và Công ty Khủng Long Sữa (cùng có địa chỉ 46 Đinh Công Tráng, phường 7, TP Đà Lạt) để kiểm tra. Công ty do bà Trần Việt Hà làm chủ.
Tại đây, Công an TP Đà lạt đã phát hiện trong ba kho hàng của hai công ty chứa hàng chục tấn thực phẩm đông lạnh. Qua thống kê, hai công ty này kinh doanh hơn 100 mặt hàng thực phẩm cho hơn 1.200 khách hàng.
Đội Cảnh sát kinh tế phát hiện trong kho đông lạnh của hai công ty này chứa 700 kg vú heo không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ và 270 kg dồi trường Trung Quốc.
Sau khi lập biên bản, gần 1 tấn nội tạng bị lực lượng công an niêm phong và tạm tịch thu đưa về một kho đông lạnh khác để chờ xác minh, làm rõ.
Ngoài ra, Công an TP Đà Lạt còn phát hiện hai thùng vú heo có trọng lượng 1 tạ đã đóng gói, chuẩn bị giao cho khách nên giữ lại.
Cùng thời điểm nói trên, một mũi công tác khác của Công an TP Đà Lạt đã ập vào hai quán ăn là Bò tơ Đà Lạt ở 118 Hùng Vương, TP Đà Lạt (một quán bên dưới đường và một quán trên đồi).
Thời điểm Công an TP Đà Lạt vào kiểm tra quán bò tơ ở 118 Hùng Vương, người của quán đã mang gần 1 tạ vú heo không rõ nguồn gốc vứt ở đống rác trong khuôn viên quán. Ảnh: MINH HẬU |
Tại đây, công an đã phát hiện hai cơ sở kinh doanh này cất giấu 97 kg vú heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đối với số nội tạng nói trên.
Đáng nói hơn, khi công an ập vào kiểm tra, nhân viên của quán 118 Hùng Vương trên đồi đã mang thùng vú heo đi giấu ở một bãi rác phía sau vườn. Công an đã lập biên bản cơ sở kinh doanh nói trên, thu giữ gần 1 tạ vú heo để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Nẵng đang củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm của các cơ sở trên.
Trước đó, từ phàn nàn của một thực khách, chúng tôi đã điều tra, xin vào làm phụ bếp ở các quán nhậu và phát hiện ra đường dây cung cấp hàng trôi nổi này.
Ngửi thì thơm, ăn vào có mùi
Đầu tháng 5, anh Nguyễn Hoàng Minh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cùng gia đình lên Lâm Đồng nghỉ mát. Được chủ cơ sở lưu trú giới thiệu những món ăn về đêm nổi tiếng của Đà Lạt, anh Minh và gia đình đến quán Bò tơ Đà Lạt ở đường Hùng Vương.
Anh Minh cho biết ở đây có hai quán bò nướng với cách trang trí bên ngoài khá giống nhau. Một quán ghi “Bò tơ Dã chiến” ở địa chỉ 116 Hùng Vương và quán còn lại ghi “Bò tơ Đà Lạt” nằm sát bên cạnh, ở địa chỉ 118 Hùng Vương. Anh chọn quán “Bò tơ Đà Lạt” ở địa chỉ 118 Hùng Vương như lời chủ của cơ sở lưu trú giới thiệu cho bữa tối của gia đình.
Do ngay mặt tiền quán, chủ cơ sở kinh doanh này đặt hẳn một tấm bảng lớn giải thích về nguồn gốc của “Bò tơ Dã chiến” nên gia đình anh càng yên tâm hơn.
Nhân viên của quán chế biến vú heo thành nầm bò cho thực khách thưởng thức. Ảnh: MINH HẬU |
Khi đã ổn định ở một bàn ăn trong quán, anh được nhân viên mang thực đơn ra giới thiệu các món ăn, sau đó nhân viên giới thiệu thêm món không có trong thực đơn “quán em có món vú bò rất ngon, anh có muốn thử không?”.
Anh Minh chỉ lên thực đơn treo trên tường và hỏi “sao không thấy trong này?” thì nhân viên cười và nói “món mới anh ạ”. Anh Minh đã gọi một dĩa vú bò có giá 200.00 đồng như lời giới thiệu của nhân viên.
Rất nhanh chóng, những món ăn được bày lên bàn cùng với một lò bếp than hồng trong tiết trời lạnh lạnh của Đà Lạt, anh Minh và gia đình đã nướng những món ăn này để thưởng thức. Tuy nhiên, khi sử dụng đến món vú bò, anh cảm giác món ăn này có vấn đề: Khi nướng thì rất thơm nhưng khi ăn thì có mùi ôi. Vì vậy, anh gọi nhân viên đến phản ứng.
Sau khi hỏi thăm qua loa, nhân viên phục vụ cho biết món nầm bò sẽ không tính tiền. Điều này gieo trong anh sự nghi ngờ về nguồn gốc cũng như chất lượng của món nầm bò này. Nhìn các bàn ăn trong quán, anh thấy bàn nào cũng có cảnh thực khách say sưa nướng món nầm bò trên bếp than.
Từ dĩa nầm bò mà quán không tính tiền nói trên, chúng tôi đã phát hiện hàng loạt quán nướng ở TP Đà Lạt sử dụng vú heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc và vú heo Trung Quốc để biến thành món vú bò bán cho thực khách.•
(Kỳ sau: Cận cảnh vú heo từ nhà vệ sinh thành “nầm bò” thơm lừng trên bàn nhậu. Khi vào làm phụ bếp cho quán, chúng tôi chứng kiến vú heo được chủ quán giấu trong nhà vệ sinh rồi mang chế biến mà nếu thực khách chứng kiến sẽ không nghĩ đến chuyện thưởng thức đặc sản này)
Vi phạm vào điều cấm của luật
Theo TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM), căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật (khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Vú heo, nội tạng heo không có hóa đơn, chứng từ là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì tùy theo giá trị hàng hóa (so với giá thị trường của hàng hóa tương ứng) mà mức tiền phạt có thể lên đến 200 triệu đồng (là thực phẩm).
Cũng cần lưu ý là khi xử phạt phải phân loại từng loại hàng hóa để xử phạt, tức là vú riêng, nội tạng riêng, xác định giá tương ứng rồi phạt từng hành vi. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Về nguyên tắc, hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) theo Ðiều 317 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 20 triệu đồng...
Về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, có một số trường hợp ngoại lệ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (như kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, kinh doanh thức ăn đường phố...). Còn trong trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc trường hợp phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà không có thì bị xử phạt 20-60 triệu đồng (Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP).
Phân tích thêm, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nêu rõ: Một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong ATTP là sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Điều 5 Luật ATTP năm 2010).
Cũng theo LS Tuấn, đối với việc kinh doanh khi không có giấy phép kinh doanh thì sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu là kinh doanh dưới dạng hộ kinh doanh mà không đăng ký thành lập hộ kinh doanh (Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư). Nếu hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thì sẽ bị phạt tiền 50-100 triệu đồng (theo điểm a khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).
LS Tuấn cũng cho rằng vấn đề xử lý hình sự chỉ đặt ra đối với việc bán thực phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc mà gây nên những hậu quả nghiêm trọng, theo Ðiều 317 BHLS. YẾN CHÂU