Ngày 8-11, sau ba ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Bắc Ninh quyết định trả hồ sơ, đề nghị VKSND Tối cao điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến đường dây "bảo kê" xe vi phạm.
Các bị cáo trong vụ án tại tòa.
Các bị cáo trong vụ án gồm: Phạm Văn Phương (43 tuổi, giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại PNV) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai nhân viên của Phương là Phùng Đức Ngọc (32 tuổi) và Lê Văn Hiếu (30 tuổi) cùng bị truy tố về tội môi giới hối lộ.
Ngoài ra, vụ án còn ba bị cáo khác bị truy tố về tội đưa hối lộ là Trần Huy Lâm (38 tuổi), Ngô Sĩ Bảo (31 tuổi) và Đinh Văn Hải (50 tuổi).
Theo hồ sơ, Phương khoe với các nhà xe và tài xế về việc có quan hệ với một số CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nên có thể “xử lý” được để không bị phạt khi vi phạm luật giao thông.
Khi các nhà xe đồng ý, Phương chỉ đạo Ngọc và Hiếu thu mỗi ô tô cần được "bảo kê" từ 1,3 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng hoặc 200.000 đồng/ngày. Thời gian thu tiền vào các ngày 20 đến 30 hằng tháng. Ngày 19-7-2016, khi Ngọc đang nhận 48 triệu đồng của một nhà xe thì bị tổ công tác Cục Cảnh sát hình sự bắt quả tang.
Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 4-2016 đến tháng 7-2016, các bị cáo đã nhận hơn 1,6 tỉ đồng của sáu nhà xe để "bảo kê" cho khoảng 360 ô tô.
Đáng chú ý, ban đầu Phương khai có quan hệ với một số CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nên có thể “bảo kê” cho các ô tô. Phương chỉ đạo Ngọc và Hiếu nhận tiền của các nhà xe rồi chuyển tiền cho mình để đưa cho cán bộ CSGT, TTGT hai tỉnh. Tuy nhiên, sau đó Phương thay đổi và cho rằng không nhận tiền “bảo kê”, không chỉ đạo Ngọc, Hiếu cũng như đưa tiền cho CSGT và TTGT.
Tại tòa, Phương bất ngờ khai ngược với lời khai trước đây của mình về việc có đưa tiền cho một số cán bộ công an công tác tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Công an.
Được triệu tập, tất cả cán bộ CSGT đều không thừa nhận việc cầm tiền “bảo kê” từ Phương. Họ khẳng định Phương từng nhiều lần gọi điện thoại mời ăn uống, hỏi thăm sức khỏe rồi nhờ can thiệp không xử lý xe vi phạm nhưng đều từ chối... Trong số này, Phương khai đưa cho một cán bộ thuộc Bộ Công an 500 triệu đồng nhưng vị này cũng phủ nhận và nói rằng có quen biết nhưng chưa bao giờ nhận tiền hoặc giúp bị cáo xử lý xe vi phạm.
Chủ tọa dẫn các tin nhắn có nội dung “bảo kê” xe giữa Phương với số máy của vị công an này thì được giải thích khi nhận tin nhắn của Phương đang bận nên không đọc, chỉ trả lời là “ok”.
Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh cho rằng bị cáo Phương không đưa được chứng cứ thể hiện đã đưa tiền cho các CSGT, các cán bộ CSGT cũng phủ nhận việc này... nên đã bác bỏ lời khai của bị cáo. Đồng thời, đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phương 13-14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo khác 2-7 năm tù.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng quá trình xét xử công khai, bị cáo Phương đã khai ra tình tiết mới mà quá trình điều tra không thể hiện như việc đưa điện thoại cho CSGT để nhận điểm báo “bảo kê” cùng một số vấn đề khác liên quan đến việc xác định chính xác tội danh của các bị cáo.
Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra làm rõ có hay không việc CSGT nhận hối lộ để “bảo kê” các ô tô.