Điều tra lại vụ tráo máy của người nghèo

Theo đó, quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận và bản án sơ thẩm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc đối với ông Huỳnh Thúc Mẫn và bà Dương Ngọc Như Hiền, chuyển hồ sơ cho VKSND Cấp cao tại TP.HCM để điều tra lại.

Đây cũng là vụ việc mà Pháp Luật TP.HCM đã phát hiện và có loạt bài điều tra, phản ánh từ đầu năm 2017. Thủ tướng, phó thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm.

Theo cáo trạng, thực hiện Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, có 306 hộ ở xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. UBND xã La Dạ được cấp hơn 1,5 tỉ đồng kinh phí.

Ông Mẫn khi đó là chủ tịch UBND xã La Dạ ký hợp đồng với ông Hồ Minh Thắng (chủ cơ sở nông ngư cơ Minh Thắng) cung cấp 438 máy nông cụ cùng phụ kiện xuất xứ Việt Nam và liên doanh hợp tác trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ đặt mua máy móc không rõ xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ.

Ông Huỳnh Thúc Mẫn và bà Dương Ngọc Như Hiền tại phiên tòa. Ảnh: PN

Sau đó, nhiều hộ dân phản ánh máy móc bị đánh tráo và giá trị không đủ 5 triệu đồng mà họ được nhận. Theo hội đồng định giá, tất cả máy móc trên có giá chỉ từ 1,3 triệu đến 3,5 triệu đồng.

Tổng thiệt hại là hơn 780 triệu đồng. Ông Thắng hưởng lợi bất chính gần 500 triệu đồng. Ông Mẫn cùng bà Hiền (kế toán xã La Dạ) gây thất thoát hơn 280 triệu đồng. Sau khi vụ án xảy ra, ông Thắng đã mang đổi lại 176 máy móc cho các hộ dân trị giá 730 triệu đồng.

Tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hai bị cáo kêu oan cho rằng mình không hưởng lợi gì, trước khi thống nhất phát máy cho dân đã đưa ra Đảng ủy xã xin ý kiến. Do đó cần phải khởi tố, xử lý ông Thắng vì đã lừa dối họ và người dân. Tuy nhiên, tòa bác ý kiến này.

Ngày 15-5-2019, TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm, giữ nguyên án đối với bị cáo Mẫn ba năm sáu tháng tù, Hiền hai năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tòa cũng yêu cầu hai bị cáo bồi thường hơn 280 triệu đồng cho UBND xã La Dạ.

Theo bản án giám đốc thẩm, hai bị cáo không phải là người quản lý tài sản nên không đủ yếu tố cấu thành tội danh trên. Cụ thể, theo thông tư liên tịch (của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT) thì UBND xã là chủ thể giám sát và thay mặt Chính phủ cấp vốn cho người dân mà không phải là chủ thể được giao quản lý, sử dụng nguồn vốn do Chính phủ tài trợ. Nguồn vốn này cũng không phải là tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Đặc biệt, tài liệu gửi kèm theo đơn đề nghị giám đốc thẩm có báo cáo phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X (5-7-2019) cho biết toàn tỉnh chỉ có 8/33 xã thực hiện việc hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân, còn lại hỗ trợ bằng máy móc có kiểm tra, nghiệm thu của các ban, ngành. Trong vụ án tại La Dạ, biên bản nghiệm thu có đại diện một số ban, ngành của huyện Hàm Thuận Bắc.

UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát và cấp vốn hỗ trợ cho người dân theo danh sách đã được UBND cấp huyện duyệt. Do đó, cần điều tra làm rõ UBND tỉnh Bình Thuận, UBND cấp huyện có chủ trương cho UBND cấp xã trên toàn tỉnh mua máy cấp cho người dân hay không. Nếu có thì trách nhiệm của các cơ quan này như thế nào, trách nhiệm của UBND xã như thế nào. Từ đó mới xác định được trách nhiệm hình sự và dân sự của hai bị cáo.

Trước đó, ngày 1-10-2019, ông Mẫn bị bắt đi thi hành án khi đang điều trị tại BV Phổi tỉnh Bình Thuận. Sau khi bị giam hơn 20 ngày, từ kháng nghị yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án, ông Mẫn được tại ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm