Tòa Cấp cao hủy án vụ quan xã tráo máy dỏm cho dân

Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra quyết định giám đốc thẩm vụ Huỳnh Thúc Mẫn (cựu chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và Dương Ngọc Như Hiền (cựu kế toán xã La Dạ) tráo máy phát cho dân nghèo.

Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ hai bản án sơ và phúc thẩm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc và TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra lại theo quy định. Hồ sơ này sẽ được chuyển ngay cho VKS cùng cấp.

Trước đó, hai cấp tòa đều tuyên phạt bị cáo Mẫn ba năm sáu tháng tù và Hiền hai năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc hai bị cáo bồi thường hơn 280 triệu đồng cho UBND xã La Dạ. 

Quyết định giám đốc thẩm nhận định: Ông Mẫn là chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính với việc triển khai thực hiện Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là quyết định về hỗ trợ cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo ở các xã/thôn/bản đặc biệt khó khăn, có 306 hộ ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ).

Trong quá trình giám sát và cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân, ông Mẫn đã có hành vi làm trái quy định: Không tổ chức họp dân để thông báo chủ trương mà tự quyết định cấp máy móc cho dân; không cấp vốn bằng tiền mặt mà mua máy móc nông cụ về phát cho dân; trường hợp được phép mua máy móc để cấp cho dân thì không công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu, không tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết hành vi sai phạm của ông Mẫn gây thất thoát, lãng phí hơn 780 triệu đồng. 

Bà Hiền biết rõ việc thực hiện quyết định trên là cấp vốn hỗ trợ cho dân bằng tiền, không phải cấp máy móc, nông cụ nhưng bà đã tham mưu, giúp sức cho ông Mẫn dự thảo, ký kết hợp đồng, nghiệm thu máy móc, nông cụ và thanh toán. Cơ quan tố tụng cho rằng bà đã giúp sức cho ông Mẫn gây thất thoát, lãng phí hơn 780 triệu đồng. 

Ủy ban thẩm phán quyết định về vụ án này

Theo quy định tại Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ dân chính sách không phải là tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Mặt khác, theo Thông tư liên tịch số 04/2013 của Ủy ban dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT thì UBND xã chỉ là chủ thể giám sát và thay mặt Chính phủ cấp vốn cho dân, không phải là chủ thể được giao quản lý, sử dụng nguồn vốn do Chính phủ tài trợ. Vì vậy, ông Mẫn, bà Hiền không phải là quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nên không đủ yếu tố cấu thành tội trên theo Điều 219 BLHS. 

Cạnh đó, trong báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh chỉ 8/33 xã thực hiện việc hỗ trợ bằng tiền cho dân, còn lại hỗ trợ bằng máy móc có sự tổ chức kiểm tra, nghiệm thu của các ban ngành.... Như vậy, cần phải điều tra làm rõ UBND tỉnh, huyện và Ban dân tộc huyện có chủ trương cho UBND cấp xã trên toàn tỉnh mua máy cấp phát cho người dân hay không. Nếu có thì trách nhiệm của những cơ quan này như thế nào, trách nhiệm của UBND xã thế nào... Trên cơ sở đó mới xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của ông Mẫn, bà Hiền.

Mua máy móc trôi nổi phát cho dân

Theo hồ sơ, thực hiện Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, ông Mẫn ký hợp đồng với ông Hồ Minh Thắng, chủ cơ sở nông ngư cơ Minh Thắng cung cấp 438 máy nông cụ cùng phụ kiện. Theo đó, các sản phẩm này có xuất xứ Việt Nam và liên doanh hợp tác trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Thắng chỉ đặt mua máy móc nông cụ là hàng không rõ xuất xứ, trôi nổi, không hóa đơn chứng từ.

Khi nhận máy, các hộ dân phản ánh máy móc bị đánh tráo và giá trị không đủ 5 triệu đồng mà họ được nhận. Vào cuộc, hội đồng định giá trong tố tụng huyện kết luận: Tất cả máy móc như máy xịt thuốc, máy cắt cỏ, máy bơm nước đều dưới giá 5 triệu đồng, có giá chỉ từ 1,3 triệu đến 3,5 triệu đồng.

Từ đó, các cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của ông Mẫn và bà Hiền gây thiệt hại hơn 780 triệu đồng. Trong đó ông Thắng hưởng lợi bất chính gần 500 triệu đồng. Ông Mẫn cùng bà Hiền gây thất thoát hơn 280 triệu đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm