Trên hai số báo trước, chúng tôi thông tin về các nhóm thu gom vỏ bình nhớt đã qua sử dụng cùng việc tập kết, mang nhớt giả đi bán.
Để có căn cứ, ngày 14-2, Pháp Luật TP.HCM gửi công văn đề nghị Công ty BP Castrol và Công ty Yamaha Motor phối hợp, kiểm tra mẫu nhớt mà trong quá trình đeo bám chúng tôi đã thu thập được.
Các hãng nhớt xác nhận mẫu gửi là hàng giả
Theo công văn của Castrol, việc chống hàng giả bảo vệ người tiêu dùng của Castrol do công ty chủ sở hữu nhãn hiệu Castrol trực tiếp điều hành thông qua đại diện sở hữu công nghiệp được chỉ định tại Việt Nam là Viet IP.
Theo yêu cầu của Viet IP, ngày 13-3, chúng tôi mang ba bình nhớt (hai loại dùng cho xe số, một loại dùng cho xe tay ga) còn nguyên niêm và nắp đến Viet IP bàn giao. Đây là các bình nhớt mà chúng tôi mua lại tại các cửa tiệm mà nhóm người làm nhớt giả mang đến bán.
Một tuần sau, Viet IP gửi kết quả khẳng định ba bình nhớt là hàng giả. “Các mẫu sản phẩm dầu nhớt Castrol do quý cơ quan cung cấp không phải là sản phẩm của Công ty Castrol hay bất kỳ chi nhánh/công ty con hoặc bất kỳ đơn vị thứ ba nào được Công ty Castrol cho phép sử dụng nhãn hiệu sản xuất và cung cấp. Các sản phẩm này là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Catrol” - Viet IP khẳng định.
Trong ba mẫu trên, có một mẫu vỏ bình và nắp là thật. Hai mẫu còn lại sử dụng vỏ thật, còn nắp, niêm là giả.
Tương tự, với hai mẫu nhớt (một dùng cho xe số, một dùng cho xe tay ga) hiệu Yamaha, đại diện Công ty Yamaha Motor cũng khẳng định là hai bình dầu nhớt không giống với hàng chính hãng, không phải là hàng do Công ty Yamaha Motor sản xuất hoặc cho phép sản xuất. “Như vậy, có đủ căn cứ để kết luận đây là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009” - đại diện Công ty Yamaha Motor Việt Nam tại Hà Nội khẳng định.
Riêng về mẫu dầu nhớt hiệu Honda mà chúng tôi thu thập được trong quá trình điều tra, do chúng tôi gửi mẫu chậm nên Công ty Honda Việt Nam chưa kịp kiểm tra mẫu và cho hay sẽ “thông tin kết quả sớm nhất cho Pháp Luật TP.HCM”.
Từ chiếc thùng này, các loại nhớt mang các thương hiệu nổi tiếng được đóng bình.
Ảnh 2: Mỗi khi xe rác tới thì người trong nhà mang hai bao to và khi đổ ra toàn là nắp bình nhớt không sử dụng được.
Ảnh 3: Trinh sát PC05 cùng phóng viên bàn giao hồ sơ, tài liệu cho Đội CSKT Công an huyện Hóc Môn chiều 2-4.
Văn bản trả lời của đại diện sở hữu công nghiệp của Castrol. Ảnh: HOÀI NAM
Công an vào cuộc
Với những chứng cứ thu thập được, ngày 26-3, chúng tôi trực tiếp chuyển tài liệu cho Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an TP.HCM cùng thông tin về các địa điểm sản xuất hàng giả cho các trinh sát.
Ở khu dân cư Hoàng Hải, trinh sát cũng bất ngờ vì những người trong căn nhà cấp bốn rất cảnh giác. Mỗi lần chiếc xe bán tải đến đều chạy vài vòng trong khu dân cư, sau đó mới lùi vào bên trong căn nhà. Khi trở ra, chiếc xe này chạy đến nhiều địa điểm ở huyện Hóc Môn và Bình Chánh để giao hàng.
“Ngoài chiếc xe bán tải mỗi ngày lùi vào căn nhà này mấy lần, chúng tôi còn bám theo các xe máy chở hàng từ căn nhà này đi giao ở nhiều nơi” - trinh sát cho hay.
Các trinh sát cũng lưu ý chiếc xe đến lấy rác mà phóng viên cung cấp. Bởi lẽ cứ hai ngày một lần có một xe đến gom rác, trong khi các nhà liền kề thường bỏ vào thùng rác để ở bên ngoài thì căn nhà này khi xe rác đến, rác trong nhà mới được người phụ nữ bên trong hé cửa, mang hai bao to ra ngoài. Có khi ống kính của chúng tôi ghi nhận công nhân đổ hai bao này ra thùng xe rác thì toàn là nắp bình nhớt và một số vỏ bình.
Các trinh sát nhận định căn nhà này chính là nơi sản xuất hàng giả, là đầu mối giao hàng đi nhiều nơi khác.
Từ tài liệu trinh sát của công an và chứng cứ mà chúng tôi bàn giao, PC05 xác định đây là vụ sản xuất và buôn bán hàng giả nên lãnh đạo PC05 đồng ý với đề xuất, phối hợp cùng Cảnh sát kinh tế huyện Hóc Môn điều tra.
Liên tiếp trong các ngày 3, 4 và 5-4, các trinh sát ghi lại những hình ảnh “không bình thường” ở căn nhà này và khẳng định: Đây là cơ sở đóng bình nhớt giả. Chiếc xe bán tải hằng ngày thường lùi vào căn nhà hai, ba lần chính là xe chở nguyên liệu vào. “Khi hàng đóng xong, có nhiều phương tiện mang đi bỏ mối không chỉ ở TP.HCM mà còn mang hàng gửi xe đò về miền Tây…” - tổ trưởng tổ trinh sát nói.
Có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả Theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhóm người này có hành vi thu mua vỏ bình nhớt đã qua sử dụng của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Castrol, Yamaha… về đổ nhớt tái chế vào, cho ra thành phẩm như thật và đem bán cho người tiêu dùng. Hành vi này có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả (theo điểm a khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung Điều 192 BLHS 2015). Muốn xử lý hình sự, cơ quan chức năng phải chứng minh số lượng hàng giả có trị giá 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm về một trong các tội này liên quan đến làm hàng giả (điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự) hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. _________________________________ Theo thông tin mà báo cung cấp thì lượng nhớt giả mỗi ngày mang đi tiêu thụ rất lớn, vì vậy cơ quan chức năng phải định lượng được số nhớt giả cũng như trị giá số nhớt giả mà những người này làm ra để có căn cứ vững chắc trong việc xử lý. Dầu nhớt thải là loại dầu nhớt đã bị đốt cháy hết chất nhờn. Loại dầu nhớt thải này nếu nấu lại, sau đó dùng acid để đánh trong là lọc lại một phần chất nhớt còn sót lại. Khi dùng xút để tạo màu thì lúc này acid đã trung hòa nhưng xút lại là chất nguy hiểm, sẽ bào mòn động cơ. Vì vậy, nếu dùng nhớt thải tái chế sẽ làm động cơ máy nhanh hỏng. Kỹ sư hóa NGUYỄN VĂN ĐẮC, công tác tại một nhà máy giấy ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương |
________________________
Bài sau: Bên trong “xưởng” sản xuất nhớt giả