Điều trị loãng xương và những điều cần lưu ý

(PLO)- Chuyên gia chia sẻ nhiều lưu ý quan trọng trong điều trị loãng xương, cả dùng thuốc và không dùng thuốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mẹ tôi năm nay 71 tuổi, bị loãng xương tuổi già. Xin bác sĩ chia sẻ những lưu ý trong điều trị loãng xương và các biện pháp phòng nguy cơ gãy xương. (Lê Huỳnh Minh Diệu, 43 tuổi, ngụ Long An).

Trả lời

Trong điều trị loãng xương, việc bổ sung các chất cung cấp sức mạnh cho xương như canxi và vitamin D là vô cùng cần thiết. Ngoài ra còn cần dùng thuốc đặc trị.

Thuốc đặc trị dựa trên hai cơ chế gồm ức chế sự hủy xương hoặc tăng cường sự tạo xương. Bác sĩ (BS) sẽ trao đổi cụ thể với người bệnh hoặc dựa trên bệnh đi kèm mà tư vấn loại thuốc hay phương pháp điều trị thích hợp.

Để điều trị loãng xương đúng, người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của BS, đặc biệt là khi dùng thuốc biphosphonate.

Để điều trị đủ, người bệnh cần phối hợp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong điều trị dùng thuốc, ngoài thuốc đặc trị như biphosphonate cần phối hợp thêm canxi và vitamin D.

loãng xương - 1
Bác sĩ BV Đại học Y dược TP.HCM thăm khám cho người bệnh loãng xương. Ảnh: BVCC

Cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống cân đối với đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và rau xanh.

Đồng thời, tăng cường các bài tập rèn luyện sức cơ và khả năng thăng bằng như yoga, đạp xe...

Cuối cùng, muốn điều trị hiệu quả, người bệnh cần tái khám định kì để các BS có thể đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh điều trị nếu cần thiết.

Loãng xương có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ là gãy xương. Trong đó, té ngã là nguyên nhân chính gây gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống ở những bệnh nhân loãng xương. Vì vậy, phòng ngừa té ngã là yếu tố quan trọng và cần thiết, đặc biệt ở người bệnh loãng xương.

Để phòng ngừa té ngã, nhà ở phải có đủ ánh sáng, có thảm trải sàn, cầu thang có tay vịn... Người bệnh cần mang giày dép phù hợp với kích cỡ, tập các bài tập vận động về sức cơ và thăng bằng.

Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để các BS phát hiện những vấn đề bệnh lý hoặc điều chỉnh các thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã.

ThS-BS Nguyễn Châu Tuấn, khoa Nội cơ xương khớp BV Đại học Y dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm