Nguồn cơn của tình trạng này là cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mặc dù dự thảo nghị định đã có và 100% thành viên Chính phủ đã đồng ý.
Lường trước những tình huống pháp lý phát sinh, Công ty Cổ phần Cơ khí nông nghiệp tỉnh Điện Biên ngày 5-3 đã gửi văn bản cho Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đề nghị gia hạn hoạt động Trạm chiết nạp bình LPG Điện Biên.
Ngày 14-5, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã gửi công văn phúc đáp. Theo đó, Nghị định 19/2016 đã quy định: “Trạm nạp LPG vào chai được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện được tiếp tục hoạt dộng thêm hai năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành (15-5-2016). Sau thời hạn này Trạm nạp LPG vào chai phải đáp ứng điều kiện thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”.
Ngày 16-9-2016, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai Nghị định 19/2016 đến thương nhân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt dộng kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh. Thương nhân đã tiếp thu về nội dung và lộ trình thực hiện Nghị định số 19/2016.
Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho rằng: Sau ngày 15-5-2018, đơn vị có giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cấp theo quy định tại Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng không đáp ứng được điều kiện theo quy định cùa Nghị định số 19/2016 thì phải dừng hoạt động.
“Sở Công Thương tỉnh Điện Biên thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai đã được cấp theo quy định của pháp luật”, công văn phúc đáp của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên nêu rõ.
Sở này cũng không quên đề nghị Công ty Cổ phần Cơ khí nông nghiệp tỉnh Điện Biên “biết, thực hiện”.
Không chỉ Công ty Cổ phần Cơ khí nông nghiệp tỉnh Điện Biên mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Đông Tùng Gas, Hà Giang vừa gọi điện hớt hải nói: “Chúng tôi đang có nguy cơ bị dừng mọi hoạt động, phá sản”.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đến ngày 15-5, Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí (gas) sẽ hết thời gian chuyển tiếp. Điều này có nghĩa sau thời điểm trên, các doanh nghiệp sẽ trở thành đối tượng “phi pháp” nếu không có nghị định mới. Chính vì thế các công ty kinh doanh gas đang mất ăn mất ngủ, thậm chí như “ngồi trên đống lửa” vì chưa biết khi nào nghị định mới ra đời.
Tại dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị bỏ hình thức hệ thống đại lý, tổng đại lý. Bộ Công Thương giải thích nếu giữ hệ thống phân phối như Nghị định 19/2016 thì vô hình trung cản trở DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho DN, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh; chưa phù hợp với Luật DN.
“Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của DN căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối khí hỏa lỏng” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Dự thảo nghị định này đã đước 100% thành viên Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, ngày 14-5, trao đổi với phóng viên, đại diện Văn phòng Chính phủ cho hay: “Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí đang được xử lý”.