Ngày 8-5, đại diện Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị đã vận hành đóng khẩn cấp cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) theo đề nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang.
Theo thông báo của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng 4 âm lịch và do gió mùa Tây Nam chuyển về phía Đông Bắc nên làm cho mực nước triều cường trong đợt này cao đã làm cho độ mặn trên tuyến sông Tiền tăng trở lại.
Đến sáng ngày 8-5, độ mặn tại cầu Kinh Xáng, xã Song Thuận, huyện Châu Thành (cách cửa sông 55 km) đo được 0,69 g/l và sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới, sau đó sẽ giảm và rút dần ra cửa sông.
Từ tình hình diễn biến xâm nhập mặn nêu trên, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 vận hành đóng ngăn mặn cống âu thuyền Nguyễn Tấn Thành vào trưa cùng ngày.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, sau khi độ mặn giảm, Sở này sẽ có văn bản mở cống Nguyễn Tấn Thành trở lại.
Theo đó cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành dù đang trong quá trình thi công chưa hoàn thiện. Tuy nhiên công trình này đã kịp tiến độ vận hành tạm, phát huy tác dụng ngăn mặn trong mùa khô năm nay.
Trước đó, kể từ ngày 1-3-2024, cống âu thuyền Nguyễn Tấn Thành đã đóng cửa van khẩn cấp để phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Sau đó độ mặn giảm dần, cống này được mở vào ngày 2-5.
Đến nay (8-5), độ mặn trên sông Tiền tăng trở lại, công trình này lại tiếp tục đóng lần 2.
Cống Nguyễn Tấn Thành thuộc dự án thành phần số 1 của công trình kiểm soát nguồn nước trên kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây, tỉnh Tiền Giang.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 518 tỉ đồng. Dự án được đầu tư với mục tiêu tăng cường khả năng trữ nước ngọt, chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng với diện tích khoảng 12.580ha của tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho khoảng 800.000 dân của tỉnh Tiền Giang.
Đây là công trình cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở ĐBSCL sau cống Cái Lớn- Cái Bé tại Kiên Giang.