Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng ba cây cầu trên trục kết nối giao thông giữa ba tỉnh, thành là TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Xây dựng một trục giao thông hoàn toàn mới
Theo ông Nguyễn Hoài Trung, ba cây cầu này nằm trong trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang và ĐBSCL, sẽ được khởi công vào năm 2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn khác.
Ba cây cầu mới được xây dựng lần lượt bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, đồng thời hình thành một trục giao thông hoàn toàn mới. Đồ họa: HỒ TRANG
Ba cây cầu mới được xây dựng lần lượt bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trong đó, tại dự án đầu tiên sẽ có hai cây cầu bắc qua sông Cần Giuộc, nằm song song với nhau, mỗi cây cầu có chiều dài gần 3 km, rộng 14 m, bắt đầu từ ngã ba Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Tiếp đến là hai cây cầu lần lượt bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có chiều dài 7 km, chiều rộng mặt cầu hơn 13 m (đầu tư ở giai đoạn 1).
Bên cạnh đó, một tuyến đường hoàn toàn mới đi qua ba cây cầu chuẩn bị đầu tư cũng sẽ được kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. “Tuyến đường mới TP.HCM - Long An - Tiền Giang đi qua ba cây cầu này sẽ tạo nên một trục động lực kết nối với ĐBSCL. Sắp tới, Sở GTVT tỉnh Long An sẽ kêu gọi đầu tư dự án này. Sau đó tỉnh sẽ tiến hành lập quy hoạch, phê duyệt dự án và chuẩn bị triển khai các bước đầu tư vào năm 2021. Tuyến đường mới sẽ được đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh” - ông Trung cho biết.
Hiện Sở GTVT tỉnh Long An đã sẵn sàng đầu tư gồm nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng. Do đây là trục động lực mới, không đi qua đường hiện hữu nên công tác giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn, cơ bản được người dân ủng hộ về mặt chủ trương. Hiện Sở GTVT tỉnh đang tích cực khảo sát lập dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập dự án, chuẩn bị hồ sơ lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu. Dự kiến sẽ hoàn tất ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn lập dự án vào cuối quý I-2021. Sau đó sẽ tiến hành khởi công ngay trong năm 2021.
Trục động lực phát triển kinh tế
Theo ông Trung, nhiều năm nay giao thông tỉnh Long An chưa được đầu tư đúng tầm, thậm chí có phần bó hẹp so với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, giao thương giữa Long An - TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL chưa phát huy hết thế mạnh. Bên cạnh đó, việc di chuyển từ các tỉnh ĐBSCL lên Long An, TP.HCM mất nhiều thời gian khiến cho chi phí vận tải lớn. Do vậy việc triển khai đầu tư trục động lực mới kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Còn 23 vị trí cần đầu tư Ông Nguyễn Hoài Trung cho biết ngoài trục động lực kết nối vùng, TP.HCM và Long An cần thêm 23 điểm kết nối giữa hai địa phương. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 24.000 tỉ đồng. Điển hình, dự án nối đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) - ĐT824 (huyện Đức Hòa) có tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng, dự án quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc có tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng, dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc) với 5.100 tỉ đồng, đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) - ĐT826C (huyện Cần Giuộc) với 1.000 tỉ đồng. Hiện hai địa phương đã thống nhất đầu tư xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (huyện Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỉ đồng. |
Theo đó, trục động lực này sẽ kết nối với các tuyến đường khác hình thành trục giao thông hoàn chỉnh kết nối từ TP.HCM qua Long An và đi Tiền Giang, ĐBSCL. Đặc biệt, sẽ giải tỏa áp lực ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên quốc lộ 50, quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Từ đó sẽ tăng khả năng khai thác vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM với Long An và các tỉnh ĐBSCL.
Bên cạnh đó, khi trục động lực được hoàn thành sẽ mở ra hàng loạt đô thị vệ tinh ở Cần Giuộc, Cần Đước tiếp giáp với TP.HCM. Lúc này, nhà đầu tư sẽ lựa chọn Long An để đầu tư bởi giao thông thuận tiện và chi phí rẻ, di chuyển về TP.HCM và ĐBSCL đều thuận lợi. Như vậy, trục động lực này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần phát triển kinh tế 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Ông Trung kỳ vọng trục động lực hoàn thành sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, đặc biệt là vào đầu tư hạ tầng, tránh trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch cũng thu hút đầu tư. “Trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang và ĐBSCL được hoàn thành sẽ đánh thức con rồng bị ngủ quên nhiều năm nay. Từ đó, đưa tỉnh Long An thoát khỏi cảnh bó buộc như thời gian qua, đưa tỉnh Long An vươn mình ra ĐBSCL và TP.HCM” - ông Trung nhấn mạnh.
Sở GTVT tỉnh Long An đang tiến hành lập quy hoạch, phê duyệt dự án, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Tất cả các bước trên sẽ hoàn thành để chuẩn bị khởi công hàng loạt dự án vào cuối năm 2021, nếu thuận lợi thì cầu và đường sẽ hoàn thành trong năm 2023. Ông NGUYỄN HOÀI TRUNG, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An |
Theo kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn, việc xây dựng các trục động lực kết nối TP.HCM với Long An, Tiền Giang là hết sức cần thiết. Trục giao thông này sẽ tạo thành các đô thị vệ tinh của TP.HCM, từ đó giãn dân từ TP.HCM về Long An. Song song, khi các trục giao thông thuận lợi thì các khu công nghiệp, kinh tế sẽ giãn về các tỉnh lân cận, từ đó giảm tình trạng quá tải ở TP.HCM. Không chỉ vậy, hiện nay nhiều tuyến đường kết nối về các tỉnh miền Tây đang bị kẹt xe nghiêm trọng thì trục giao thông này sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu. Bên cạnh đó, khi trục động lực được đầu tư xứng tầm, có quy hoạch cụ thể sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư cùng làm, từ đó sẽ giảm tải cho nguồn ngân sách nhà nước.