Trong các ngày 24 và 25-2, các chuyên gia, nhà khoa học đã đến Cà Mau cùng lãnh đạo tỉnh này khảo sát thực tế, bàn giải pháp chống hiện tượng hạn hán, sụn lún đang xảy ra nghiêm trọng tại địa phương này.
Các chuyên gia đến cùng Cà Mau khảo sát các điểm sụt lún đường. Ảnh: CTV
Sau khi khảo sát thực tế tại các điểm sụt lún nghiêm trọng ở huyện Trần Văn Thời, các chuyên gia đã cùng với lãnh đạo, sở, ngành tỉnh Cà Mau bàn giải pháp. Có hai giải pháp nổi bật được nêu ra bàn thảo là đưa nước mặn vào vùng ngọt và chặt bỏ bớt cây xanh ven lộ.
Đây là hai giải pháp được chính quyền địa phương nêu ra từ thực tế xem xét các vụ sụt lún diễn ra nghiêm trọng trong cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay.
Với giải pháp đưa nước mặn vào vùng ngọt, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đồng thuận. Ông Văn cho rằng qua khảo sát thực tế cho thấy những đoạn đường bị sụt lún đều nằm cạnh các kênh rạch bị khô kiệt nước, không còn giữ được chân đường. Do đó, ông Văn đề nghị Cà Mau cân nhắc việc đưa nước mặn vào các kênh ngọt hóa này để hạn chế sụt lún.
Ở giải pháp chặt bỏ cây xanh ven lộ, ông Văn cho rằng không nên vì trồng được cây xanh mất 5-7 năm. Nếu chặt bỏ sẽ rất lãng phí nên chỉ cần chặt bớt cành nhánh là được.
Một số chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị tỉnh nên điều tra, làm rõ nguyên nhân sụt để có cơ sở đưa ra các giải pháp khoa học, hiệu quả nhất.
Trước đó, tỉnh Cà Mau đã thành lập các tổ điều tra nguyên nhân sụt lún khi đường Tắc Thủ - Đá Bạc và đường bê tông trên đê biển tây Cà Mau sụt lún sâu bất thường. Việc điều tra này thực hiện theo quy trình xử lý sự cố công trình.
Báo cáo với các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan bộ ngành trung ương trong chuyến khảo sát này, tỉnh Cà Mau cho biết đến nay đã có hơn 1.000 điểm công trình sụt lún nghi do hạn hạn gây ra, tổng chiều dài khoảng 21 km. Trong đó có năm điểm sụt lún đường cấp tỉnh quản lý với tình trạng nghiêm trọng, kéo dài hàng trăm mét, điểm bị sụt lún sâu nhất đến 2,5 m.