Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP tờ trình về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là đề án). Theo nội dung đề án, đến năm 2030, năm huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ sẽ được chuyển từ huyện lên quận. Để thực hiện đề án chuyển đổi từ huyện lên quận , năm huyện ngoại thành cũng đang chuẩn bị các nội dung liên quan theo hướng dẫn của Sở Nội vụ để thực hiện đề án chung.
Nhà Bè đã khởi động
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết việc chuyển từ huyện lên quận đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025 hồi tháng 5-2020. “Đó là cơ sở để huyện triển khai đề án chuyển từ huyện lên quận trong thời gian tới” - ông Nguyễn cho biết.
Ông Nguyễn nhận định huyện Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa rất cao, việc lên quận sẽ giúp cho việc đầu tư hạ tầng được đồng bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời sẽ là điều kiện để thu hút nhà đầu tư đến với huyện trong thời gian tới.
Theo phó chủ tịch huyện Nhà Bè, trước đây huyện cũng đã chuẩn bị các nội dung để xây dựng đề án chuyển từ huyện lên quận nhưng chưa triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trước đó huyện Nhà Bè cũng đã triển khai nhiều chương trình và đề án phục vụ cho việc chuyển từ huyện lên quận. Đặc biệt, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng đã thông qua chương trình phát triển đô thị huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Qua đó, huyện đề ra chiến lược phát triển đô thị với trọng tâm là phát triển hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp. Từ đó tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển các khu đô thị mới song song với giải quyết nhu cầu an sinh xã hội cho người dân.
Liên quan đến việc chuẩn bị cho đề án chuyển từ huyện lên quận, ông Nguyễn cho biết huyện đã rà soát xong các tiêu chí theo quy định. Theo đó, đến thời điểm này huyện đã đạt được 24/30 tiêu chí theo quy định. “Hiện nay, huyện cũng đang cố gắng phấn đấu để đạt cơ bản chỉ tiêu còn lại trong thời gian tới. Trong lộ trình đến năm 2025, việc Nhà Bè lên quận là có thể đạt được” - ông Nguyễn nói.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy (ngày 30-11-2019), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Nhà Bè có thể là địa phương lên quận sớm nhất. Bởi huyện Nhà Bè đến năm 2025 chỉ còn 109 hộ làm nông nghiệp, tỉ lệ là 0,1%. Dự báo đến năm 2030, Nhà Bè không còn hộ nào làm nông nghiệp. Như vậy về cơ cấu đất thì Nhà Bè không còn là huyện nữa.
Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí
Huyện Hóc Môn cũng đang trong tiến trình rà soát các chỉ tiêu theo quy định để thực hiện theo đề án chuyển lên quận.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch huyện Hóc Môn, cho biết huyện Hóc Môn là địa bàn gần trung tâm TP, có tốc độ đô thị hóa cao, dân số đông. Hóc Môn hiện có hơn 50% diện tích là đất nông nghiệp nhưng tỉ trọng ngành nông nghiệp đóng góp cho kinh tế huyện chỉ khoảng 3%-4%. “Vì vậy, việc chuyển lên quận là phù hợp và sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo động lực để huyện phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Đồng thời, đất đai được chuyển từ nông thôn sang đất đô thị sẽ khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, người dân cũng sẽ sử dụng và khai thác đất đai có hiệu quả hơn” - ông Thắng nói.
Nút giao An Sương được đầu tư hoàn chỉnh giúp đường về huyện Hóc Môn, TP.HCM trở nên thông thoáng hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chủ tịch huyện Hóc Môn thông tin: Dự kiến trong vài tháng tới, huyện sẽ rà soát, tổng hợp xong để làm cơ sở xây dựng đề án chuyển đổi từ huyện lên quận. Theo tờ trình của Sở Nội vụ, Hóc Môn có diện tích hơn 109 km2, dân số hơn 460.000 người. Sở Nội vụ đánh giá huyện Hóc Môn đã đạt 30/30 tiêu chí theo quy định để lên quận.
Bình Chánh, Cần Giờ rà soát, hoàn thiện các tiêu chí
Là huyện có diện tích hơn 252 km2, lớn thứ ba trong năm huyện, chỉ sau Củ Chi (hơn 434 km2) và Cần Giờ (hơn 704 km2), huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa chóng mặt trong những năm gần đây. Từ năm 2020, huyện Bình Chánh đã đưa nội dung chuyển từ huyện lên quận vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025. Sau đó cũng đã ban hành các kế hoạch để thực hiện đề án này.
|
Bình Chánh cũng đã tiến hành rà soát xong các tiêu chí, đạt 26/30 tiêu chí so với quy định. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, quy mô diện tích lớn, dân số “khủng” gần 750.000 người, dự báo đến năm 2025 Bình Chánh có thể cán mốc 1 triệu dân. Khoảng 10 năm trước, Bình Chánh cũng từng đề xuất cho phép được thành lập thị xã để phù hợp với thực tiễn, vừa có phường với các khu vực đô thị hóa, vừa có xã đối với các xã thuần nông. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý tại thời điểm đó chưa đủ nên đề xuất này đã không được chấp thuận.
Tại Cần Giờ, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch huyện, cho biết hiện nay huyện chưa đạt chỉ tiêu về dân số theo quy định. Đồng thời một số xã như Lý Nhơn, An Thới Đông, Thạnh An chưa đủ tiêu chí lên phường. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang có kế hoạch và chương trình hành động để phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo quy định. Ông Hồng cho biết trước mắt huyện đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Đặc biệt là tích cực hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha.•
Sáu bước triển khai Tờ trình của Sở Nội vụ kèm theo dự thảo về công tác chuẩn bị xây dựng đề án nhấn mạnh các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu có vị trí cửa ngõ của TP để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ. Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TP) là hết sức cần thiết. Lộ trình dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận (hoặc TP thuộc TP). Giai đoạn 2025-2030 sẽ thực hiện chuyển đổi đối với hai huyện Củ Chi, Cần Giờ. Với lộ trình này, TP.HCM sẽ có sáu bước triển khai thực hiện đề án. Cụ thể: Bước 1: Báo cáo đánh giá, rà soát hiện trạng từng tiêu chí (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị) của huyện theo tiêu chuẩn của quận theo quy định. Bước 2: Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng các huyện theo tiêu chuẩn của quận (hoặc TP thuộc TP.HCM), xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương lựa chọn phương án chuyển huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM). Bước 3: Bổ sung định hướng vào điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị TP.HCM. Bước 4: Xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư xây dựng khắc phục các tiêu chí chưa đạt chuẩn; hoàn thiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, tại các huyện, chương trình phát triển đô thị đảm bảo quy hoạch đô thị phủ kín các huyện dự kiến thành lập quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) trong giai đoạn 2021-2030. Bước 5: Hoàn thiện đề án phân loại đô thị của các huyện, các xã/thị trấn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bước 6: Hoàn thiện đồ án thành lập quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo Sở Nội vụ, từ tháng 11-2020, UBND TP đã chỉ đạo các sở Nội vụ, Xây dựng, QH-KT và UBND các huyện tham mưu nội dung xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021-2030. Đến tháng 12-2020, Sở Nội vụ đã có công văn đề nghị các đơn vị có liên quan báo cáo nội dung đề án. Đầu tháng 3-2021, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan góp ý cho dự thảo đề án. Sở Nội vụ cho rằng nội dung trình TP về công tác chuẩn bị xây dựng đề án nhằm mục đích xác định các nhiệm vụ trọng tâm, nội dung công việc. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đảm bảo thành lập đơn vị hành chính quận hoặc TP trực thuộc TP. |