Cần Thơ: Phân lô, bán nền đất nông nghiệp quá dễ

“Ở trên tuyến đường Nguyễn Văn Trường này (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có nhiều chủ phân lô bán nền lắm. Còn cặp cây xăng đường này thuộc khu vực Bình Thường A là khu dân cư (KDC) tự phát đấy. Có phân lô bán nền nhưng nghe đâu do vướng phải việc cấp nước sinh hoạt này kia nên đã dừng rồi! Mấy chú có muốn tìm hiểu thì lát lại đó mà xem”.

Chị T., một người dân ở khu vực, nhanh nhạy nói khi chúng tôi hỏi nơi đây có ai bán nền giá phải chăng không.

Cạm bẫy đất giá rẻ

Tìm đến KDC tự phát này, chúng tôi nhìn thấy lác đác một vài căn nhà xây dang dở, bỏ hoang. Con đường dẫn vào KDC rộng khoảng 4 m, hai bên đã được cắm cọc phân lô, nền diện tích là 40 m2/nền. Được biết, hiện trạng đất của KDC này là loại đất trồng cây lâu năm, diện tích khoảng 1.600 m2, nay đã tách thành 18 thửa.

Ông P. tự xưng là chủ đầu tư KDC này cho biết những cái nền trong đây đã cắm cọc phân lô bán nền hết (chỉ còn lại một, hai nền là chưa có người mua). Mỗi nền 40 m2 như thế này có giá khoảng 90-100 triệu đồng.

Khi chúng tôi hỏi vì sao có một số căn nhà xây dang dở, ông P. cho biết do khách hàng của ông mua nhưng chưa lên thổ mà cất nhà nên bị ngưng lại. Chúng tôi hỏi tiếp khách hàng mua đất có biết là đất chưa lên thổ không, ông P. nói: “Biết hết đấy chứ”.

Chúng tôi ngỏ ý mua lại hai nền còn lại của khu này, ông P. nói: “Cái này là đất vườn, chưa lên thổ. Giấy có sẵn rồi, ai muốn sang tên thì sang tên. Nhưng mà năm nay hết chỉ tiêu lên thổ rồi. Tháng 4 năm sau thì lên được, lúc đó ai muốn cất thì cất”.

Một khu đất nông nghiệp khu vực Bình Thường A đã được phân lô và chuẩn bị xây nhà. Ảnh: TÍN HUY

Chúng tôi hỏi trong sự nghi ngờ: “Có chắc vậy không anh?”. Ông P. trả lời: “Em làm dự án, không chắc thì làm sao bán cho người ta”.

Chúng tôi nhắc lại lời của chị T. (người chỉ đường): “Sao nghe dân nói KDC này gặp vấn đề về nước sinh hoạt nên dừng lại?”. Ông P. cho biết: “Nước sinh hoạt thì có ảnh hưởng gì đâu, đã xin hết rồi, chỉ chưa kéo vô thôi”!

Tuy nhiên, có lẽ đây là chiêu trò của chủ đầu tư. Bởi theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bình Thủy, KDC cặp cây xăng đường Nguyễn Văn Trường quận đang chỉ đạo phường Long Tuyền xử lý triệt để, không cho hình thành KDC vì nằm trong khu hợp tác trồng rau an toàn.

Theo ông Tuấn, khi người dân mua đất thì nên liên hệ với cơ quan chức năng quản lý ở địa phương để nắm thông tin, khu nào được phép xây dựng hay không, được phép chuyển mục đích hay không. Nắm kỹ thông tin rồi thì hãy mua, đừng tự lao vào mua đất giá rẻ để tránh thiệt hại, tổn thất về kinh tế.

Không ngán phát (!?)

Cũng lần theo chỉ dẫn, chúng tôi vào đến khu Rạch Ngã Cái, thuộc liên tổ 19-20, khu vực Bình Thường A. Dù hơn 16 giờ nhưng một số nơi ở đây vẫn còn khá nhiều nhân công làm việc như đào móng, bẻ khung sắt chuẩn bị đổ bê tông.

Ông H., chủ mới của một miếng đất, cũng có mặt. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua nền, ông H. giới thiệu mỗi nền có diện tích 52 m2, nếu xây nhà luôn, giấy tờ ông lo là 300 triệu đồng.

Sẵn dịp ông H. giới thiệu cho tôi một căn nhà sắp hoàn thiện: “Muốn cần nhà thì chạy qua cầu Rau Răm, quẹo tay trái, thuộc khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Đường vô đẹp nhưng cũng chỉ có 2,5 m. Nhà tao thì khỏi chê, cái sân, phòng khách, phòng ngủ, toilet, vệ sinh, bếp… mới 100%. Được thì dọn vào ở luôn, giá 395 triệu đồng”.

Chúng tôi hỏi: “Vậy đã lên thổ cư chưa anh?”. Ông H. nói: “Chưa, muốn lên thổ cư thì khoảng 40 triệu, nói nào nói rõ luôn đừng có lo. Lên làm chi, tốn tiền đưa người ta, tao đâu có lên”.

Chúng tôi hỏi tiếp: “Lúc xây anh không sợ bị phạt sao?”. Ông H. đáp: “Phạt cái gì. Tao cất nhà trên đất vườn nhưng chung rồi. Chung rồi mới thành cái nhà, không chung thì cho ngưng rồi”.

Có vẻ thấy chúng tôi còn e ngại, ông H. nói thêm: “Mày đừng có ngại, anh mày bán không có tầm bậy đâu. Lưu cái số anh đi, hỏi anh H. thì ai mà không biết tao. Nếu thiếu tiền tao nói ngân hàng hỗ trợ cho mày 100 triệu, uy tín đàng hoàng, trả góp 0%”.

* * *

Trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ từ năm 2014 đến nay có 421 công trình xây dựng vi phạm về các lỗi như xây dựng không phép, sai phép, tập trung ở các phường Long Hòa, Trà Nóc..., nhiều nhất là ở Long Tuyền. Tuy nhiên, công tác xử lý còn khá chậm. Theo báo cáo gần nhất, chỉ cưỡng chế được 19 công trình, khắc phục tháo dỡ 113 công trình, cấp giấy phép xây dựng cho 74 công trình, như vậy số công trình chưa xử lý dứt điểm chiếm trên 50% (215 công trình).

Địa phương bị thụ động

Ở khâu quản lý, bởi thủ tục giấy tờ cấp phép thuộc cấp trên, địa phương chỉ quản lý san lấp, xây dựng có phép hay không. Nếu phát hiện xây dựng không phép thì cũng chỉ xử lý vi phạm hành chính với số tiền khá khiêm tốn, chẳng thấm thía gì…

Có những hộ ở các quận như Ninh Kiều lọt vô quy hoạch, được bồi thường và hỗ trợ tái định cư nhưng có hộ chỉ được bồi hoàn ít nên vào đây mua đất giá rẻ để sinh sống. Mình xử lý thì người ta khổ quá.

Nếu ở quốc lộ 91B, sang tên với nhau, cất nhà kinh doanh thì địa phương xử lý thẳng tay, cưỡng chế rất nhiều.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Long Tuyền

Bất cập việc tách thửa

Hiện nay địa phương không có quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp nên ảnh hưởng lớn khâu quản lý. Do đó, khi người dân có nhu cầu thì buộc cơ quan chức năng phải cho tách. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nên các KDC tự phát, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, nước và chiếu sáng không đảm bảo. Khi tiếp xúc cử tri thì bà con cho rằng địa phương không lo cho dân. Nhưng lỗi này do nhà đầu tư và bất cập trong việc tách thửa và cấp phép xây dựng.

Ông NGUYỄN VĂN TUẤN,
Phó Chủ tịch Thường trực quận Bình Thủy

Người dân đối phó rất khéo

Chủ trương của TP và quận là không cho thực hiện tự phân lô, bán nền. Bởi mỗi khu tự phân lô, bán nền thì hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, sau vài năm thì xuống cấp, để lại một khu “ổ chuột”. Địa phương cũng kiên quyết không cho xây dựng KDC tự phát nhưng mà thời gian qua việc này vẫn còn do người dân đối phó rất khéo. Họ làm đúng theo quy định của pháp luật nên mình không thể nào bắt được. Đất nông nghiệp thì họ tách thửa ra, mà theo quy định của luật đất đai thì không hạn chế diện tích, cho nên là mấy chục mét là tách được.

Đối với quận Ninh Kiều thì ràng buộc một điều kiện về hạ tầng là buộc phải có đường, mà đường là phải đường 4 thước, nằm trên phần đất công cộng chứ không có chuyện mở đường làm lối đi. Hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo, hội tụ những điểm đó thì mới cho chuyển mục đích.

Ông DƯƠNG TẤN HIỂN, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều,
TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.