Ngày 27-5, ngay từ rất sớm, nhiều người dân đã tập trung tại khu vực đường dẫn cầu Cao Lãnh để chứng kiến thời khắc lịch sử hai bờ sông Tiền trên địa phận Đồng Tháp nối liền.
“Quá sức tưởng tượng”
Là một người dân có mặt rất sớm tại lễ khánh thành, ông Võ Văn Tho (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) xúc động nói: “Quá sức tưởng tượng của tôi. Năm nay tôi đã 77 tuổi rồi, khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được xây dựng tôi vẫn luôn cầu trời cho mình còn sức khỏe đến ngày hai cây cầu khánh thành. Hôm nay rất là vui khi được chứng kiến cầu Cao Lãnh được đưa vào sử dụng. Có cầu Cao Lãnh việc qua lại của người dân sẽ thuận tiện hơn. Niềm mong mỏi của người dân bấy lâu nay đã thành hiện thực”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, người dân sống cạnh đường dẫn cầu, cho biết chị đã tranh thủ làm hết công chuyện nhà để ra xem khánh thành cầu. “Mừng dữ lắm, cô ơi! Từ nay chúng tôi không cần phải mòn mỏi đợi phà nữa. Cầu đưa vào sử dụng khu nhà tôi sẽ nhộn nhịp, đông vui lắm. Mấy hôm trước khi nghe thông tin sắp khánh thành là tôi nôn nao trông cho mau tới ngày này” - chị Thủy chia sẻ.
“Bây giờ tỉnh Đồng Tháp của chúng tôi không còn khuất nẻo nữa rồi. Tôi tin chắc rằng cầu Cao Lãnh đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển của Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung. Tuổi đời tôi đã 60 nhưng vẫn rất hân hạnh khi được nhìn thấy đất nước phát triển như thế này” - ông Nguyễn Văn Cai chia sẻ.
Đúng 10 giờ 30 ngày 27-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các quan chức cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh.
Những chiếc xe đầu tiên lăn bánh qua cầu Cao Lãnh. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Mong mỏi nhiều đời
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói cầu Cao Lãnh là một công trình quan trọng, đáp ứng mong mỏi nhiều đời nay của người dân Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có chiều dài 2,01 km và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45 km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh (TP Cao Lãnh) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). |
Dịp này, Phó Thủ tướng cũng gửi lời cám ơn sự hợp tác quý báu của chính phủ Úc. “Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Mỹ Thuận là hình mẫu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Úc dành cho Việt Nam và là minh chứng sống động cho quan hệ chiến lược Việt Nam-Úc” - Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết cầu Cao Lãnh là một trong những dự án trọng điểm nằm trên đường Hồ Chí Minh, là trục song hành thứ hai ngoài quốc lộ 1. “Hôm nay là ngày rất đặc biệt vì chúng ta cơ bản đã hoàn thành dự án lớn, tạo nên đoạn kết nối tuyến thứ hai, giảm tải giao thông cho quốc lộ 1 từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL. Công trình này đối với Đồng Tháp có ý nghĩa to lớn vì tỉnh đã có một quốc lộ hết sức quan trọng đi ngang. Trước đây Đồng Tháp được xem là nơi khuất nẻo, không có trục giao thông lớn đi qua…” - bộ trưởng GTVT nói.
Đến 10 giờ 30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống. Sau đó, những chiếc ô tô đầu tiên chầm chậm lăn bánh qua cầu. Kế tiếp là từng tốp người dân nối nhau qua cầu trong tiếng reo hò mừng vui.
Đồng Tháp không còn khuất nẻo Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết cầu Cao Lãnh chính thức khánh thành, nối nhịp bờ vui, hiện thực hóa giấc mơ từ bao đời nay của người dân ĐBSCL. “Đất sen hồng Đồng Tháp xóa dần lời nguyền “khuất nẻo” bằng công trình thắm tình hữu nghị. Với giá trị sử dụng lâu dài, không thể đong đếm hết hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội mà công trình này mang lại. Là địa phương thụ hưởng công trình, chúng tôi phải nhanh chóng nắm bắt vận hội này, bổ sung giải pháp phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, tạo xung lực mới đưa Đồng Tháp chuyển mình vươn lên cùng các địa phương khác trong vùng” - ông Dương nói. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chia sẻ sau khi cầu Cao Lãnh chính thức đưa vào khai thác, bến phà Cao Lãnh vẫn tiếp tục hoạt động với quy mô nhỏ hơn để phục vụ vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ. Nhân viên phà Cao Lãnh sẽ được phân về phà Sa Đéc, bến phà Phong Hòa-Thới An. Đa số người lao động đều chấp nhận và an tâm làm việc. |