Chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 28-12, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (điểm đầu tuyến) đến nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang (điểm cuối tuyến).

Xe chạy thực nghiệm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bố trí lực lượng điều tiết giao thông

Khởi công tháng 11-2009, sau 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng, đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn một năm tái khởi động, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt 75% khối lượng công trình. Với quyết tâm không lỗi hẹn với nhân dân, chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện dự án đảm bảo mốc thông tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Cùng với việc thông tuyến, tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 công ty sẽ mở cửa tạm phục vụ người dân (xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông một chiều trước tết năm ngày và sau tết năm ngày với tốc độ 40 km/giờ nhằm góp phần giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1 quá tải vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Về phương án tổ chức phân luồng giao thông dịp tết, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết tại nút giao Thân Cửu Nghĩa và nút giao An Thái Trung sẽ được bố trí biển báo và người hướng dẫn lưu thông cho phương tiện lưu thông. Ngoài ra, dọc trên tuyến tại các vị trí giao cắt với đường ngang, nút giao Cai Lậy và nút giao Cái Bè có bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông cho người tham gia giao thông. Đồng thời thành lập hai tổ tuần tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông trên tuyến.

Ngoài ra, doanh nghiệp dự án khẳng định sẽ phối hợp với các bên và sẵn sàng bỏ ra kinh phí hơn 10 tỉ đồng để đưa tuyến đường vào sử dụng tạm thời trong dịp tết. Và nguồn kinh phí này không nằm trong điều kiện bắt buộc của hợp đồng dự án đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thống nhất phương án nhà đầu tư đề xuất

Trước đó, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT đánh giá nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết Nguyên đán 2021. Ngày 18-12, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã có văn bản thống nhất tổ chức giao thông như phương án nhà đầu tư đã đề xuất.

 

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án thiết kế bốn làn xe cao tốc, mỗi làn rộng 3,5 m và dải phân cách giữa, trên toàn tuyến có 39 cầu trên tuyến chính. Tổng vốn đầu tư dự án là 12.668 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đánh giá: Đến thời điểm này, doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện rất nghiêm túc cam kết với Thủ tướng dự án đảm bảo thông tuyến vào cuối tháng 12-2020, đáp ứng được mong mỏi và lòng tin của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL về dự án đường cao tốc. Theo ông Dũng, thường trước tết, người dân về quê ăn tết nhiều, lưu lượng giao thông lớn nên ưu tiên cho chiều từ TP.HCM về và sau tết, người dân trở lại làm việc thì ưu tiên chiều từ Mỹ Thuận đi về TP.HCM.

“Cùng với việc cho lưu thông tạm trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện Tiền Giang vẫn còn tuyến tỉnh lộ 864 từ huyện Cái Bè nối dài về tới TP Mỹ Tho đi về nhánh cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên rất thuận lợi. Chúng tôi hy vọng với các phương án lưu thông theo các tuyến này, Tiền Giang sẽ cơ bản giải quyết bài toán kẹt xe trên quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh vào cao điểm tết Nguyên đán năm nay” - ông Dũng nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm