Đà Nẵng ngưng tăng giá trông giữ xe sau dịch COVID-19

Ngày 24-4, UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa có văn bản về việc chưa điều chỉnh tăng giá dịch vụ trông giữ xe tại các khu vực trên địa bàn TP trong năm 2020.

Việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe tại Đà Nẵng thực theo Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của UBND TP ngày 4-8-2017. Tuy nhiên, Sở Tài chính TP Đà Nẵng đề xuất tạm thời chưa tăng giá theo Quyết định 25/2017/QĐ-UBND.

Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan căn cứ tình hình thực tế để rà soát lại giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn TP tại Quyết định 25/2017/QĐ-UBND sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Đà Nẵng chưa tăng giá dịch vụ trông giữ xe năm 2020. Ảnh: TẤN VIỆT

Quyết định 25/2017/QĐ-UBND quy định dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (chợ, bệnh viện, trường học, chung cư, khu vui chơi giải trí, bãi biển, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa...).

Theo đó, giá giữ xe cao nhất tại các khu vực này là 90.000 đồng/ngày đêm đối với ô tô trên 16 chỗ ngồi, ô tô tải trên 3,5 tấn. Giá giữ xe thấp nhất tại các khu vực này là 2.000 đồng/ngày đêm đối với xe đạp.

Quyết định 25/2017/QĐ-UBND cũng quy định giá dịch vụ trông giữ xe vi phạm trật tự an toàn giao thông cao nhất là 150.000 đồng/ngày đầu (150.000 đồng/mỗi ngày tiếp theo) đối với ô tô trên 16 chỗ ngồi, ô tải trên 3,5 tấn. Giá thấp nhất là 10.000 đồng/ngày đầu (5.000 đồng/mỗi ngày tiếp theo) đối với xe đạp.

Ngoài ra, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, các tổ chức, cá nhân căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 25/2014/TT-BTC ngày 17-2-2014 của Bộ Tài chính.

Thông tư 25/2014/TT-BTC quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ nhưng không vượt quá mức giá quy định dịch vụ trông giữ xe tại chợ, bệnh viện, trường học… như trên.

Trước đó, ngày 27-3, UBND TP thống nhất phương án đầu tư các bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Theo Sở GTVT Đà Nẵng, việc tạo cơ chế thuận lợi để thực hiện đầu tư các bãi đỗ xe công cộng theo hình thức BOT có phần vốn góp của Nhà nước sẽ giúp TP kêu gọi được nguồn lực của tư nhân, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển giao thông công cộng.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư bãi đỗ xe công cộng theo cơ cấu gồm: nguồn vốn góp của Nhà nước, nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.

Trong đó, giá trị tiền thuê đất (phần vốn góp của Nhà nước) được đưa vào tổng vốn đầu tư dự án nhưng không đưa vào tổng mức đầu tư để tính phương án tài chính của dự án PPP.

Theo phương án tài chính mới, Đà Nẵng không thực hiện giao đất. Nhà đầu tư chỉ được tính thu hồi vốn trên chi phí đầu tư xây dựng + chi phí quản lý vận hành. Sau khi kết thúc vòng đời dự án bàn giao lại toàn bộ tài sản cho Nhà nước quản lý khai thác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm