Những ngày qua, người dân tại Đà Nẵng liên tiếp có những phản ứng trước việc bị cấm đỗ xe trên nhiều đoạn tuyến cạnh khu vực có bãi đỗ xe thu phí. Trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, người dân phản ứng còn dữ dội hơn.
Bãi đỗ xe cạnh Bảo tàng Chăm vắng vẻ trong ngày 7-5. Ảnh: TẤN VIỆT
Nickname Lê Trí đặt câu hỏi: “Tại sao những vị trí đắc địa như bên hông Bảo tàng Chăm, bãi xe khu nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9 được giao cho tư nhân khai thác một cách chóng vánh khi họ chưa đầu tư bất kỳ cơ sở vật chất nào vào đây, toàn bộ là hạ tầng có sẵn trước đó từ ngân sách TP”.
Thành viên này hỏi thẳng Sở GTVT vì sao lại sốt sắng xóa vạch kẻ đường, gắn bảng cấm đậu xe tại những nơi trước đây người dân vẫn đậu đỗ bình thường.
Bài đăng của Lê Trí cùng hàng chục bài đăng khác tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận.
Ngày 7-5, mục sở thị các bãi đỗ xe cạnh Bảo tàng Chăm, dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9, khung cảnh rất vắng vẻ. Trên một khoảnh đất rộng lớn, số ô tô đậu đỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi trước khi bị thu phí, lượng xe vào đây đậu đỗ dày đặc.
Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 7-2017, Sở GTVT TP Đà Nẵng phối hợp các sở, ngành tham mưu cho TP tổ chức đấu giá bốn bãi đỗ xe tập trung.
Trong đó, bãi đỗ xe đường 2 Tháng 9 rộng 17.477 m2, dãy nhà hàng từ Mỹ Hạnh đến Phước Mỹ rộng 5.231 m2; khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm rộng 1.385 m2; khu vực ngã ba Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp rộng 1.343 m2.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay việc đấu giá do Trung tâm Đấu giá của Sở Tư pháp thực hiện. Mỗi bãi đỗ xe có 4-5 đơn vị tham gia đấu giá.
Đến đầu tháng 2-2018, UBND TP phê duyệt kết quả đấu giá với việc Công ty TNHH MTV Thế giới tuổi thơ Ngọc Châu (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trúng thầu một bãi; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Lâm (quận Hải An, Hải Phòng) trúng ba bãi còn lại.
“Đơn giá khởi điểm đấu giá được Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt là 21.700 đồng/m2/tháng. Các đơn vị tham gia đấu giá thuê mặt bằng hiện trạng để thực hiện dịch vụ trông giữ xe. Toàn bộ số tiền đấu giá thu được chuyển vào ngân sách TP” - ông Huy nói.
Hàng loạt biển cấm đỗ xe được dựng lên cạnh các bãi đỗ xe có thu phí khiến dư luận cho rằng Sở GTVT TP Đà Nẵng cố tình ép xe vào bãi đỗ để thu tiền. Ảnh: TẤN VIỆT
Trong một văn bản trình UBND TP trước đó, Sở GTVT TP Đà Nẵng nhận định các dự án đầu tư bãi đỗ xe không nằm trong danh mục công trình được ưu tiên.
Kinh phí đầu tư ban đầu cho các bãi đỗ xe là khá lớn, trong khi giá trông giữ xe theo quy định hiện tại là khá thấp. Thiếu cơ chế, giải pháp quản lý đối với những bãi trông giữ xe hiện nay.
“Đặc biệt là tình trạng đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường vừa gây cản trở giao thông vừa ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị đầu tư bãi đỗ xe” - văn bản nêu rõ.
Do vậy Sở GTVT TP Đà Nẵng đề xuất và đã được UBND TP chấp thuận theo phương án: Hỗ trợ 100% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) cho các dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe theo hình thức đối tác công tư (PPP).
TP xây dựng quy chế quản lý đậu đỗ hợp lý, giải tỏa các điểm trông giữ xe tự phát không có sự quản lý của Nhà nước.
Bảng giá trông giữ xe được Sở Tài chính TP Đà Nẵng thông qua như sau: Ban ngày (từ 6 giờ đến trước 22 giờ), xe đạp: 2.000 đồng/lượt; xe máy, mô tô, xe đạp điện, xe máy điện: 4.000 đồng/lượt; ô tô dưới 16 chỗ, ô tô tải dưới 3,5 tấn: 20.000 đồng/lượt; ô tô trên 16 chỗ, ô tô tải trên 3,5 tấn: 40.000 đồng/lượt
Ban đêm (từ 22 giờ đến trước 6 giờ sáng hôm sau), xe đạp: 3.000 đồng/lượt; xe máy, mô tô, xe đạp điện, xe máy điện: 5.000 đồng/lượt; ô tô dưới 16 chỗ, ô tô tải dưới 3,5 tấn: 25.000 đồng/lượt và ô tô trên 16 chỗ, ô tô tải trên 3,5 tấn: 50.000 đồng/lượt.