Là địa phương chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), chính vì thế TP.HCM đã và đang tăng cường liên kết với các tổ chức quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình hành động ứng phó BĐKH trên địa bàn.
TP.HCM chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu
Qua đánh giá các nguyên nhân gây ra BĐKH, các chuyên gia nhận định, các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP.HCM sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Cạnh đó, những năm qua, tình trạng nước biển dâng gây ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố.
TP.HCM thường xuyên bị ngập nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM): TP.HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Các trận mưa cực đoan, mưa trong thời gian ngắn với vũ lượng lớn gây ngập sâu một số khu vực hay hiện tượng nắng nóng gay gắt, đảo nhiệt tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe người dân. Để thực hiện hiệu hiệu quả ứng phó với BĐKH, thành phố cần tập trung vào những giải pháp thích ứng, đồng thời lập kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng, xử lý chất thải…; phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng công nghệ mới, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường; tăng diện tích mảng xanh đô thị...
Xúc tiến nhiều nhiệm vụ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu
Theo PGS.TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT TP.HCM: theo nghiên cứu do C40, Viện Khí hậu mới (Đức), Hiệp ước toàn cầu của các thị trưởng về khí hậu và năng lượng đồng thực hiện cho thấy những chính sách phù hợp ở đô thị về ứng phó BĐKH sẽ giúp thế giới tiết kiệm hàng tỷ USD hàng năm, như: tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí tại các hộ gia đình cũng như giảm phát thải khí nhà kính; các chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng giúp người dân tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí, giúp giảm tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tật và tai nạn giao thông.
Với diễn biến ngày càng phức tạp và tác động nghiên trọng của BĐKH đối với sự phát triển đô thị, TP.HCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu dài hạn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như C40, JICA. Trong khuôn khổ hợp tác với C40, thành phố đã có Thư cam kết thúc đẩy các hành động ứng phó với BĐKH, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Công ty Cổ phần RCEE – NIRAS, đơn vị được C40 lựa chọn hỗ trợ tư vấn, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của quá trình xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia năng lượng và quy hoạch của RCEE – NIRAS, TP.HCM đã xác định ứng phó BĐKH là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó thực hiện đồng thời cả thích ứng với ứng phó BĐKH và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thành phố xác định 10 lĩnh vực kinh tế, xã hội cần ưu tiên trong thực hiện ứng phó BĐKH, gồm: quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, và du lịch. Có thể nhận thấy kế hoạch hành động ứng phó BĐKH được thành phố lồng ghép trong các chính sách để thực hiện một cách hiệu quả, lâu dài.
Ông Joselito Guevarra, đại diện C40 khu vực Đông Nam Á cho biết, với TP.HCM, C40 thực hiện hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH với nhiều chương trình, dự án khác nhau, hướng tới mục tiêu (đến tháng 12-2020), hoàn thành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM đã sớm nhận thức và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp. |