RÁC THẢI Ở HÀ NỘI VÀ TP.HCM:

Sẽ phải phân loại rác tại nguồn, đốt rác, phát điện...

Ngay tại diễn đàn “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý – truyền thông – doanh nghiệp”, vừa diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT):

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

* Thưa ông, vì sao việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã từng triển khai thí điểm tại một số địa phương nhưng đến nay vẫn thất bại?

+ Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Việc PLRTN đã thực hiện thí điểm từ 10 năm trước, nhưng không thành công. Nguyên nhân là do không thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý. Để thực hiện giải pháp đồng bộ này thì phải quay lại bài toán quy hoạch.

Trước đây chúng ta làm quy hoạch này không đúng, không đồng bộ. Cụ thể, các địa phương mới chỉ phát động phong trào cho các hộ gia đình, hoặc 1 khu dân cư nào đó PLRTN nhưng lại không đồng bộ với khâu thu gom, xử lý rác sau đó. Rác thu gom xong, phân loại ra 3-4 loại rồi nhưng không biết mang đến nhà máy nào tái chế, hoặc đốt… và cuối cùng lại mang ra chôn lấp. Hoặc khi thu gom, chỉ có một xe chuyên chở, người thu gom rác phân loại đó lại đổ chung vô một xe, rồi đem chôn… chung.

Hiện nay, TP.HCM đã triển khai PLRTN khá tốt ở 14/24 quận huyện. Hay ở Cần Thơ, hai năm qua đã triển khai PLRTN ở một số quận. Một số rác thải dùng làm nguyên liệu tái chế, phần rác còn lại được chở đến nhà máy đốt rác, phát điện.

* Vậy tới đây chúng ta sẽ triển khai PLRTN như thế nào?

+ Trong quyết định điều chỉnh chiến lược quản lý chất thải rắn cho đến 2025-tầm nhìn 2050, Thủ tướng Chính phủ đã đưa yêu cầu là đến năm 2025 trên toàn quốc giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 30% (hiện nay đang chôn lấp 70%).

Như vậy, trong 5-6 năm nữa chúng ta phải giảm được 40% lượng rác chôn lấp, tương đương với khoảng 10 triệu tấn rác thải/năm. Nghĩa là, chúng ta sẽ phải chuyển đổi sang công nghệ xử lý rác kiểu khác để tái chế rác, thu hồi năng lượng, giảm tỷ lệ chôn lấp. Bộ TN&MT đang có hướng dẫn cho các địa phương. Chắc chắn tới đây sẽ định hướng rõ nội dung này để các địa phương chuyển đổi, lựa chọn công nghệ hợp lý tuỳ theo điều kiện của địa phương mình. Ví dụ, đối với địa phương còn diện tích đất có thể áp dụng các công nghệ rẻ như hầm bioga kết hợp chôn lấp. Còn đối với đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có lượng rác rất nhiều, phải tập trung việc PLRTN, tìm kiếm công nghệ đốt rác thải sinh hoạt kết hợp phát điện, tái tạo năng lượng…

* Ông có thể thông tin cụ thể hơn?

+ Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và 63 tỉnh, thành đang làm việc với nhau để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn, đánh giá cơ sở hạ tầng, điều tra số liệu, quy hoạch, công nghệ xử lý rác thải rắn, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Tiếp đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp các địa phương lập lại quy hoạch xử lý chất thải rắn. Sau khi xác định được địa điểm xây dựng khu xử lý chất thải thì sẽ gắn luôn với sử dụng loại công nghệ xử lý chất thải luôn. Từ đó sẽ hướng dẫn địa phương đó nên PLRTN hay không PLRTN.

Hiện đang có hai công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Một là công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đã PLRTN, loại rác này cho nhiệt lượng cao, sẽ dùng để đốt phát điện, một phần rác khác có thể tái chế cho ngành sản xuất khác. Công nghệ này khá đắt, hiện đang được áp dụng phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc… Loại công nghệ thứ hai là đốt rác thải sinh hoạt tổng hợp, không PLRTN, loại rác này khi đốt cho nhiệt lượng thấp hơn nhưng giá thành rẻ hơn.

Trong tương lai, TP.HCM sẽ không còn cảnh chôn lấp rác thải hỗn hợp nữa.

Ở Việt Nam không phải tỉnh nào cũng có điều kiện giống nhau. Tuy nhiên, đô thị lớn như TP.HCM (phát sinh hơn 9.000 tấn rác/ngày), Hà Nội (6.000 tấn/ngày), có hệ thống thu gom tốt… thì nên chuyển đổi sang công nghệ đốt rác, phát điện theo hướng phải PLRTN. Đây là giải pháp căn cơ, Bộ TN&MT đang đề xuất và dự kiến sẽ là đưa vào khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường… 

Chín “ông lớn” bắt tay nhau “Nói không với rác thải nhựa”:

Liên quan đến “Liên minh tái chế bao bì” do 9 doanh nghiệp lớn (Coca-Cola, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé, NutiFood, Suntory PepsiCo, Tetra Pak, TH Group và URC Việt Nam) vừa thành lập ngày 21-6, ông Hoàng Văn Thức cho hay: Bộ TN&MT đánh giá cao hành động của các DN.

Theo đó, các DN cam kết thành lập các điểm thu gom để thu hồi lại các bao bì, sản phẩm nhựa dùng một lần để tái chế trong vòng đời của sản phẩm tiếp theo, đồng thời tiến tới sẽ không sản xuất sản phẩm nhựa như ống hút, vỏ chai… “Chúng tôi tin rằng, mỗi DN sẽ phải tự chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn”, ông Thức nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm