Giấc mơ làm cầu ‘cổng vàng’ vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM, bày tỏ mong muốn ấp ủ bao năm qua: “Trong thời gian tới, huyện sẽ đề xuất Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu để có thể trình UBND TP về dự án làm cầu vượt biển dài 17 km nối với TP Vũng Tàu”.

Giấc mộng kết nối khu vực

Theo ông Dũng, Cần Giờ mong muốn có cầu vượt biển nối Vũng Tàu để cùng với cầu Cần Giờ kết nối huyện với trung tâm TP.HCM, thay thế phà Bình Khánh. Dự án cầu Cần Giờ đang trong giai đoạn tuyển thiết kế, nếu hoàn thành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển vùng thành khu du lịch tầm cỡ.

“Trong tương lai gần, cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khi kết nối huyện với Nhà Bè, qua đó kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cầu vượt biển nối liền Vũng Tàu là câu chuyện tương lai xa hơn” - ông Dũng phân tích.

Chia sẻ về giấc mơ này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hiệp hội chính là đơn vị đưa ra ý tưởng về một cây cầu vượt biển đầu tiên trong hội nghị Quy hoạch phát triển Cần Giờ năm 2017.

“Hội thảo năm 2017 diễn ra tại Sở QH-KT, hiệp hội đã đề xuất ý tưởng là chúng ta sẽ làm một cây cầu có tính biểu tượng như cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mỹ. Vừa giải quyết nhu cầu giao thông, vừa tạo cảnh quan cho khu vực” - ông Châu nói.

Ông Châu thông tin thêm, trong một cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM gần đây, ông đã tiếp tục nhắc lại đề xuất này một lần nữa. “Tôi rất ủng hộ mong muốn thực hiện dự án này của lãnh đạo huyện Cần Giờ” - ông khẳng định.

Cầu vượt biển Thị Nại và TP.HCM đang mong có một cây cầu tương tự nối Cần Giờ với Vũng Tàu. Ảnh: ZING.VN

Nên để tư nhân đầu tư cầu vượt biển

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho rằng dự án chưa có quy hoạch nên nêu ý kiến vào thời điểm này là còn hơi sớm. “Câu trả lời sẽ có trong tương lai” - ông nói.

Trong khi đó, các chuyên gia kiến trúc tỏ ra khá hào hứng. Kỹ sư cao cấp - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, ông Hà Ngọc Trường, cho rằng dự án này rất nên triển khai. Tuy nhiên, lựa chọn thời điểm mà sức mạnh kinh tế, tài chính đáp ứng được là yếu tố quan trọng.

“Các nước trên thế giới làm cầu vượt biển rất nhiều. Khi có cây cầu này người dân không phải đi xuyên tâm TP, qua quốc lộ (ql) 51 để đi Vũng Tàu nữa, rất thuận tiện. Tôi cho rằng nên làm cầu theo hình thức xã hội hóa” - ông Trường góp ý.

Về mặt kỹ thuật, ông Trường cho rằng làm cầu vượt biển có những yêu cầu cao hơn như chống ăn mòn, chống xâm nhập mặn, chống bão… Nhiều khả năng cầu nối Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ là cầu dây văng. Tĩnh không cầu cũng phải đảm bảo vì đây là luồng hàng hải đi các cảng lớn như Cát Lái, Thị Vải…

“Huyện Cần Giờ được ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái, môi trường tự nhiên nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi làm các cầu vượt biển khác như cầu Thị Nại ở Quy Nhơn, cầu Đình Vũ - Cát Hải ở Hải Phòng nên không cần quá lo lắng” - ông Trường lạc quan.

Đánh giá về vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nêu quan điểm: “Khi có cầu, đất đai khu vực Cần Giờ sẽ có giá hơn rất nhiều. Các cơ quan chức năng nên cân đối lợi ích công-tư và khuyến khích cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện dự án này”.

Trả lời cho bài toán giao thông nếu thực hiện xây cầu, ông Lê Hoàng Châu thông tin có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư đường trên cao, tăng lưu lượng giao thông phía trên đường Rừng Sác (do đường Rừng Sác không được mở rộng để đảm bảo sinh quyển khu vực).

Khi đô thị biển Cần Giờ hình thành, phó giám đốc Sở GTVT cho rằng để kết nối huyện này với Vũng Tàu thì trước mắt đầu tư phà tốc độ cao là hiệu quả nhất. Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, đã có nhà đầu tư quan tâm đến việc làm phà và đang được cơ quan chức năng xem xét, quyết định.

Cầu vượt biển Thị Nại là công trình thuộc dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Công trình được khởi công vào ngày 3-11-2002 và hoàn thành vào ngày 12-12-2006. Cầu có kết cấu hiện đại, dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 54 nhịp, khẩu độ mỗi nhịp là 120 m. Tổng chiều dài cầu là 2,5 km, được thi công bằng công nghệ vô cùng tân tiến.

Trong khi đó, cầu Đình Vũ - Cát Hải (hay còn gọi là cầu Tân Vũ - Lạch Huyện I) là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam; kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Bề rộng cầu là 29,5 m với bốn làn xe. Phần cầu vượt biển dài 5,44 km nằm trong dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, được khánh thành vào ngày 2-9-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm