Đề cập đến vấn đề cấm xe máy, ông Chung cho hay hiện nay Hà Nội đang giành phần lớn ngân sách (khoảng 38%) để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm giải quyết nạn ùn tắc.
Ông cho hay ở các nước phát triển thì phát triển ô tô là con đường chắc chắn, do Việt Nam còn nghèo nên “định hướng ban đầu là phát triển xe máy”. Các đô thị tại Việt Nam trước sau cũng sẽ phát triển theo con đường các nước đã làm.
Tuy nhiên hiện nay việc hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy đang là thách thức, trong đó có thách thức đến từ “lợi ích nhóm” của những doanh nghiệp sản xuất xe máy.
“Hiện nay, lợi ích nhóm của các doanh nghiệp sản xuất xe máy đang rất lớn vì mỗi năm họ sản xuất 3,5 triệu chiếc xe máy” – ông Chung nói.
Theo ông Chung, về mặt dịch vụ đi theo để phát triển ô tô sẽ tạo công ăn việc làm lớn hơn nhiều so với xe máy.
Trước đó, sáng 9-4, bên hành lang kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội cho hay Đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được UBND TP trình và được HĐND TP thông qua vào tháng 7-2017, trong đó đã nêu rõ lộ trình thực hiện.
Thời gian qua, truyền thông dồn dập đưa tin Hà Nội triển khai cấm xe máy trên một số tuyến phố. Chủ tịch Hà Nội cho biết thông tin này chỉ là ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở GTVT, không phải là ý kiến chính thức của TP Hà Nội. Đến thời điểm này UBND TP Hà Nội chưa đưa ban hành quyết định nào về việc cấm xe máy.
Ông Chung cho hay, trên địa bàn thành phố hiện nay có gần sáu triệu xe máy. Cho nên giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng. Toàn bộ phương án cấm xe máy trước khi quyết định ban hành phải được công bố công khai và có sự đồng thuận của người dân.