Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa cho biết Sở này đang hoàn thiện Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án này là một trong những nội dung thực hiện lộ trình quản lý phương tiện giao thông nhằm chống ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7-2017.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang là bài toán nan giải
Nội dung của đề án trên sẽ nghiên cứu thí điểm cấm xe máy tại một số tuyến phố nhằm tiến tới cấm xe máy tại khu vực các quận nội thành vào năm 2030. Theo Sở GTVT Hà Nội hiện cơ quan soạn thảo đề án đang nghiên cứu các phương án hạn chế xe máy như: Thí điểm cấm xe máy theo giờ cao điểm vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) trên các trục đường hướng tâm, có hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Có sáu tuyến phố là các trục giao thông hướng tâm được xem xét nghiên cứu gồm: Phố Nguyễn Trãi - đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng, lộ trình thí điểm từ năm 2019-2020; Phố Xuân Thủy - Cầu Giấy, dự kiến thí điểm cấm xe máy sau năm 2020, khi tuyến đường sắt đô thị số 3 (đang thi công đoạn Nhổn – Văn Miếu) đi vào hoạt động; phố Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt); phố Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nghiên cứu cho dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành theo lộ trình: Từ năm 2020 cấm đăng ký xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ và sau năm 2025 mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, huyện Gia Lâm, Đông Anh.
Ông Viện cũng cho biết thêm, do ùn tắc, ô nhiễm trong giao thông ngày càng gia tăng nên cần có giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân kèm với thúc đẩy vận tải hành khách công cộng phát triển. Tuy nhiên để cấm được xe máy thì “cần có lộ trình, bước đi cụ thể” đảm bảo lợi ích chung của xã hội và nhu cầu đi lại của người dân. Đề án hạn chế xe máy sẽ được lấy ý kiến người dân, chuyên gia trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.