Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).
Theo đó, chậm nhất đến ngày 31-12-2020, các trạm thu phí đường bộ đang hoạt động phải chuyển sang hình thức thu phí tự động không dừng.
Dừng thu phí nếu không lắp đặt ETC
Với các trạm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa lắp đặt hệ thống ETC, Thủ tướng giao Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Quyết định của Thủ tướng cũng bắt buộc các dự án xây mới chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện lắp đặt hệ thống ETC.
Cạnh đó, Nhà nước sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của từng trạm để quyết định việc duy trì một làn thu phí hỗn hợp (thu cả hình thức ETC và một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; hoặc thời điểm chuyển toàn bộ các làn thu phí sang hình thức ETC, cũng như việc thực hiện lắp đặt hệ thống ETC đối với các dự án có thời gian thu phí dưới ba năm.
Nhà nước sẽ dừng thu phí đối với các trạm không thực hiện việc lắp đặt hệ thống ETC nếu do lỗi của nhà đầu tư.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, nhà đầu tư BOT có thể tự thiết kế, đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống ETC. Tuy nhiên, hệ thống này phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống ETC của nhà cung cấp dịch vụ thu phí đang triển khai.
Tới ngày 31-12-2020, tất cả trạm thu phí phải lắp đặt hệ thống ETC. Ảnh: VIẾT LONG
Nộp tiền vào tài khoản ETC bằng nhiều cách
Để giải quyết vướng mắc về việc mở tài khoản thu phí, quyết định của Thủ tướng lần này cho phép chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí ETC theo nhiều cách.
Cụ thể, để thanh toán bằng hình thức ETC, chủ phương tiện có thể nộp tiền trực tiếp hoặc liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác.
“Trường hợp phương tiện giao thông được gắn thẻ mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp…” - quyết định của Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, doanh nghiệp được thu phí theo tháng, quý và năm. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí sẽ thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo hình thức tháng, quý, năm.
Trước đây từng có tranh luận trích % để hoàn vốn cho việc đầu tư hệ thống ETC trên làn thu phí không dừng hay trên doanh thu trạm BOT. Trong quyết định lần này, Thủ tướng nêu rõ việc trích % này sẽ được thực hiện trực tiếp từ doanh thu của trạm.
“Trường hợp doanh thu hoàn vốn của dự án thu phí điện tử không dừng không đảm bảo tính khả thi so với phương án tài chính được duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án thu phí điện tử không dừng…” - quyết định của Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, việc gắn thẻ được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31-12-2021.
Từ ngày 31-12-2021 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 1-8.
Dự án thu phí không dừng được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Giai đoạn này chỉ còn vướng bốn dự án do VEC quản lý. Đối với giai đoạn 2, gồm 33 trạm, 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Giai đoạn này qua đấu thầu đã chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định gặp khó khăn. Về vấn đề này, trước đó Bộ GTVT cho hay đã báo cáo Chính phủ và chờ Thủ tướng chỉ đạo. |