Bên cạnh việc tăng tốc tuyến metro số 1, gấp rút giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đang tích cực triển khai thêm bốn tuyến đường sắt đô thị để dần hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng TP.
Các dự án metro được triển khai tiếp theo
Theo MAUR, các tuyến metro sẽ được triển khai tiếp theo lần lượt: tuyến số 3a, tuyến số 5 giai đoạn 1, tuyến số 4b-1 và tuyến số 5 giai đoạn 2.
Đối với tuyến metro 3a (Bến Thành - Tân Kiên), tháng 4-2020, UBND TP đã trình Bộ KH&ĐT về hồ sơ cập nhật đề xuất dự án.
Tuyến metro số 3a là tuyến kéo dài của tuyến metro số 1 về phía tây của TP. Tuyến này cũng kết nối với các tuyến số 2 và số 4 tại ga Bến Thành.
MAUR đánh giá tuyến số 3a sẽ làm tăng hiệu quả khai thác tuyến metro số 1 và 2 cũng như toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Theo đó, MAUR đã kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm xem xét, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án. Trên cơ sở đó, MAUR sẽ triển khai các bước tiếp theo và xúc tiến với nhà tài trợ để tìm nguồn đầu tư cho dự án.
Đối với tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn), hiện MAUR đã trình UBND TP thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Theo kế hoạch, UBND TP xem xét hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trong năm 2020.
Để chuẩn bị tuyển chọn tư vấn thẩm tra, MAUR đã đề nghị Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) xem xét, góp ý về dự thảo hồ sơ nhiệm vụ và dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Đối với tuyến metro số 4b-1 (tuyến nhánh kết nối sân bay Tân Sơn Nhất), trong tờ trình Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mới đây, MAUR cho biết đang nghiên cứu để lên kế hoạch triển khai.
Cụ thể, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Do đó, MAUR sẽ nghiên cứu và đánh giá lại sự phù hợp với thực tế để triển khai dự án. Đặc biệt, MAUR chú trọng đánh giá về dự báo lưu lượng hành khách và hiệu quả đầu tư, sau đó sẽ có báo cáo đề xuất cụ thể cho UBND TP.
Đối với dự án đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc) sẽ được xúc tiến đầu tư tiếp theo sau dự án metro số 5 giai đoạn 1. Việc triển khai xây dựng sẽ được thực hiện sau khi đã thu xếp đủ nguồn vốn cho dự án.
Tuyến metro số 1 đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Ảnh: ĐÀO TRANG
Tầm quan trọng của hệ thống metro
TS Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (thuộc MAUR), cho biết hệ thống metro có vai trò quan trọng đối với mạng lưới giao thông của TP trong thời gian tới.
Cụ thể, sau khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân (chiếm 10%). Sau đó, các tuyến metro tiếp theo đi vào hoạt động sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả, giải quyết 30%-40% nhu cầu đi lại của người dân TP.
Theo ông Hiển, tuyến metro số 1 sẽ đi song song với đường xa lộ Hà Nội. Khi đi vào hoạt động, tuyến này sẽ góp phần giải quyết kẹt xe tuyến đường xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Hữu Cảnh và những tuyến đường lân cận.
Lý giải vấn đề vì sao không giải quyết dứt điểm tuyến metro số 1 và số 2, sau đó mới triển khai các tuyến metro khác, TS Hiển cho rằng để làm một dự án sẽ trải qua ba bước gồm: lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập nghiên cứu khả thi; thiết kế. Sau khi lập báo cáo để Chính phủ duyệt mới tiến hành thiết kế, đấu thầu và thi công.
Như vậy, để hoàn tất thủ tục một dự án metro phải mất 5-6 năm. Theo đó, các dự án mà TP đang lập báo cáo tiền khả thi thì ít nhất năm 2026 mới có thể triển khai thi công được. Lúc này, tuyến metro số 2 đã vận hành, tuyến metro số 1 đã vận hành từ năm 2021.
TS Hiển cũng lý giải vì sao phải làm dự án metro số 3a và metro số 5 (giai đoạn 1 và 2) thay vì thực hiện tuần tự. Theo đó, tuyến metro số 3a chính là tuyến số 1 nối dài. Sau khi tuyến này hoàn thành sẽ kết nối với tuyến số 1 và số 2, tạo một hành lang hoàn chỉnh từ đông bắc tới tây bắc.
Ý kiến về việc nghiên cứu và triển khai các tuyến metro mới, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết hệ thống metro có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận tải hành khách công cộng của TP. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì cần có sự kết nối giữa hệ thống giao thông công cộng với các nhà ga metro.
Theo ông Sơn, các tuyến metro làm sau có thể rút kinh nghiệm từ các tuyến metro làm trước như tăng hiệu quả nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất hiệu quả dọc dự án.
Bên cạnh đó, TP cần tính toán thực hiện các tuyến metro nào tiếp theo để tạo sự liên kết với các tuyến metro đã xây dựng. Từ đó, TP lên kế hoạch thực hiện, không nên đầu tư lần lượt theo thứ tự các tuyến metro.
Sự kết nối giữa các tuyến metro Theo MAUR, tuyến đường sắt đô thị số 3a là một trong những tuyến huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng. Tương tự, tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 sẽ tạo một vòng tròn hiệu quả cho ba tuyến metro số 1, số 2 và số 3a. Tuyến này là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến metro khác của TP trong tương lai. Sự kết nối này bao gồm tuyến metro số 1 tại cầu Sài Gòn, tuyến metro số 3b tại ngã tư Hàng Xanh, tuyến metro số 4 tại ngã tư Phú Nhuận, tuyến metro số 4b tại Công viên Hoàng Văn Thụ và tuyến metro số 2 tại ngã tư Bảy Hiền. Toàn tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 và 2) được đánh giá là một trong những tuyến đường sắt đô thị cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn hiện nay để góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng của TP.HCM. |