Các khu vực trọng điểm giao thông được ghi nhận có lượng phương tiện đổ dồn về TP.HCM nhiều nhất là cầu Rạch Miễu (Bến Tre và Tiền Giang), Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua các tỉnh Tiền Giang, Long An, cửa ngõ phía Tây và phía Đông TP.HCM.
Cầu Rạch Miễu: Xe cộ xếp hàng dài
Từ 16 giờ 30 ngày 1-5, rất đông phương tiện xe máy, ô tô, xe tải,... đổ dồn về hướng cầu Rạch Miễu (phía Bến Tre đi TP.HCM) khiến cho giao thông khu vực cầu trở nên hỗn loạn.
Hàng ngàn phương tiện xe máy chen chúc nhau qua cầu. Do lượng phương tiện quá đông, dòng xe di chuyển rất chậm. Dưới chân cầu hai bên bờ Bến Tre và Tiền Giang đều có CSGT túc trực điều tiết. Tuy nhiên, càng đến chiều tối thì lượng phương tiện càng đông, cầu Rạch Miễu trở nên quá tải.
Hàng loạt ô tô, xe tải các loại xếp hàng dài trên tuyến QL60 hướng từ Bến Tre đi TP.HCM nhích từng chút một để lên cầu. Một tài xế xe tải cho biết xe của anh đã xếp hàng dài hơn 3 km trên đoạn dẫn vào cầu Rạch Miễu, đã hơn 30 phút vẫn chưa lên được cầu.
Đến 18 giờ dù phương tiện lưu thông trên tuyến QL60 rất đông, phương tiện ùn ứ nghiêm trọng nhưng vẫn chưa thấy Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu xả trạm. Ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty BOT Cầu Rạch Miễu, cho biết: “Xe có đông nhưng chưa có sự chỉ đạo của CSGT nên BOT chưa xả trạm”.
Theo ông Nam, trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, từ ngày 28-4 đến 15 giờ chiều 1-5, trạm BOT cầu Rạch Miễu đã năm lần xả trạm, tổng thời gian xả trạm 145 phút.
Theo ghi nhận, càng về tối dòng xe di chuyển theo các tuyến từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng,… trên tuyến QL60 hướng về TP.HCM càng đông. Đến 19 giờ cùng ngày, lượng xe qua đây vẫn chưa hạ nhiệt.
Còn trên tuyến QL1 (qua địa bàn tỉnh Tiền Giang), trong chiều 1-5, hàng ngàn người dân từ các tỉnh miền Tây trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ, đến 17 giờ thì tuyến này có nhiều đoạn bị ùn ứ.
Một CSGT điều tiết tại vòng xoay Thân Cửu Nghĩa cho biết: Từ 18 giờ, đoạn dẫn từ vòng xoay Thân Cửu Nghĩa vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương lượng phương tiện tăng đột biến nên xe cộ xếp hàng dài chạy chậm qua trạm thu phí cao tốc.
Xe cộ xếp hàng dài và nhích từng chút để lên cầu Rạch Miễu. Ảnh: Đ.HÀ
Xe khách tấp nập cập bến chiều 1-5 tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: N.NHUNG
QL1, đoạn qua Long An, nhiều người phải tấp vào lề ngồi chờ bớt ùn tắc mới di chuyển tiếp. Ảnh: N.THI
Cửa ngõ phía Đông: xe máy áp đảo ô tô
Chiều 1-5, Trung tá Huỳnh Văn Cường, đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh, cho biết: Đội đã lên kế hoạch tập trung hết lực lượng, luôn túc trực để xử lý các tình huống kẹt xe giờ cao điểm. Đồng thời tăng cường mạnh và bố trí công tác phân làn để người tham gia giao thông được an toàn, tránh ùn ứ. Giao nhiệm vụ cho từng người để đảm bảo công tác điều phối giao thông ổn định.
Ông Cường cũng cho hay cửa ngõ phía Đông và các dịp lễ thường rất đông xe máy. Nguyên do là các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông,... có cự ly không quá xa nên nhiều người đã sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển.
Theo ghi nhận, bắt đầu từ 16 giờ 30, lượng xe máy đổ dồn từ khu vực các cổng Bến xe Miền Đông khiến giao thông khu vực bị ùn tắc. Tuy nhiên, tới 19 giờ giao thông khu vực này đã thông thoáng hơn.
Cửa ngõ phía Tây: Đông nhưng không tắc
Ghi nhận của PV, khoảng 17 giờ trên QL1A (đoạn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, TP.HCM), lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây (Long An, Tiền Giang, Bến Tre,…) trở lại TP.HCM bắt đầu tăng. Tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh TP.HCM, dòng xe nối đuôi nhau thành hàng dài; xe đông, di chuyển chậm nhưng không quá ùn tắc.
Lo sợ kẹt xe nên ông Lê Tuấn Anh (quê Cà Mau) đã đi từ 5 giờ sáng bằng xe máy và đến TP.HCM khoảng 17 giờ chiều. “Đi đường hôm nay cũng bình thường chứ không quá kẹt xe, chỉ có điều thời tiết quá oi bức nên tôi phải vừa đi vừa nghỉ ngơi ở nhiều chặng” - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đến đoạn giao nhau giữa QL1A và đường Võ Văn Kiệt, nhiều phương tiện đã chọn đi đại lộ Đông Tây để về các quận 5, 6, 8... nên giao thông trên đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua quận Bình Tân và quận 6, TP.HCM) được giảm tải nên khá thông thoáng.
Đến 18 giờ, lượng xe đổ về TP.HCM mỗi lúc một đông hơn, trời lúc này bắt đầu có mưa nặng hạt. Đường ướt, xe đông khiến các phương tiện di chuyển có phần khó khăn hơn.
Sân bay: Tần suất hạ cánh 5 phút/chuyến
Theo ghi nhận của PV, từ 8 giờ sáng tần suất máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu nhộn nhịp. Lúc 10 giờ 57 phút, bảng hiển thị thông tin các chuyến bay đến liên tục cập nhật tình trạng máy bay đã hạ cánh. Bình quân năm phút có một chuyến hạ cánh, trong đó các chuyến bay cập cảng từ Hà Nội, Phú Quốc, Đồng Hới, Vinh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cam Ranh,...
“Hậu ngày lễ, máy bay cập cảng nhiều nhưng không gây nhiều xáo trộn khu vực sảnh do thời gian mỗi chuyến cách nhau năm phút nên khách có thời gian di chuyển ra bên ngoài” - một nhân viên phục vụ mặt đất chia sẻ.
Tuy nhiên, khách vào gửi xe máy được nhân viên hướng dẫn lên tận tầng bốn thay vì tầng một và hai như lâu nay do lượng xe máy khách gửi ở đây để đi chơi lễ đã quá tải. Một nhân viên giữ xe bật mí có hàng ngàn xe máy tại hai tầng một và hai chưa được chủ rước về.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong ngày nghỉ lễ cuối cùng dịp 30-4 và 1-5, tần suất máy bay cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt kỷ lục với 750 chuyến/ngày, tương ứng với khoảng 15.000 khách thông qua cảng. Ngày 1-5 cũng là ngày cuối cùng trong dịp lễ cảng này triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không cấp độ cao nhất (cấp độ 1).
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây “thất thủ” dịp lễ Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho hay hầu như ngày nào trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng có sự cố xảy ra trong dịp lễ này. Với thời gian nghỉ lễ dài ngày, người dân đổ xô đi chơi về các vùng biển như Vũng Tàu, Phan Thiết… tăng cao khiến cao tốc này như oằn mình để gánh khối lượng phương tiện khổng lồ. Không chỉ nút giao An Phú hướng đi Long Thành, mà hướng từ Long Thành về TP cũng như cửa ngõ Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, bến phà Cát Lái… cũng đã bị “thất thủ” trước lượng phương tiện dồn về tăng cao đột biến. “Những ngày vừa qua xảy ra một số vụ phương tiện bị chết máy, hư hỏng… khi đang lưu thông trên cầu Long Thành. Điểm đáng chú ý là thời điểm các phương tiện gặp sự cố thường đúng vào lúc có lượng lớn phương tiện lưu thông trên tuyến, các phương tiện phải di chuyển chậm khiến cho tình hình giao thông trở nên nóng hơn” - VEC E cho hay Điển hình, sáng sớm ngày đầu kỳ nghỉ (27-4), lúc 7 giờ 40 trên cầu Long Thành (hướng TP.HCM - Long Thành) đã xảy ra sự cố hai xe va chạm dẫn đến lượng phương tiện kéo dài trên cầu cạn. Đến 13 giờ cùng ngày, khi lượng phương tiện lưu thông ở cả hai chiều đều đông thì tiếp tục một ô tô bốn chỗ bị chết máy trên cầu Long Thành gây ùn tắc cục bộ. Tiếp đến, khoảng 8 giờ ngày 29-4, một xe container và xe 16 chỗ cũng “rủ nhau đứng lì” trên cây cầu này. Đến 17 giờ cùng ngày, một xe cứu thương khi đi qua đây cũng không thể nổ máy… Lúc 16 giờ ngày 30-4, trên cầu tiếp tục xảy ra vụ phương tiện hư hỏng khi đang lưu thông qua đây. P.CƯỜNG Theo ghi nhận khu vực miền Tây, tại QL1A đoạn từ cầu Bến Lức (Long An), lượng phương tiện đặc biệt là xe máy xếp hàng dài và nhích từng chút một để di chuyển về TP.HCM. Thời điểm này khu vực có mưa khiến giao thông trở nên khó khăn hơn. Có những người quá ngao ngán cảnh kẹt xe nhiều giờ đã tấp vào lề ngồi chờ cho bớt kẹt xe mới đi tiếp. Chị HA (người dân từ Long An lên TP.HCM) chia sẻ: “Do nhà gần nên dịp lễ này mình đi xe máy về nhà. Do lúc sáng trời nắng nóng nên mình để chiều chiều mới lên TP. Nào ngờ kẹt xe khủng khiếp quá. Mình ngồi chờ chừng nào thông thoáng mới đi tiếp”. N.THI |