Hiến kế làm đẹp kênh, rạch ở TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM cho hay TP sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án cải tạo kênh, rạch bị ô nhiễm, bồi lấp trên địa bàn TP.HCM. Các dự án này sẽ góp phần chống ngập, cải tạo cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường sống của người dân TP.
Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tích cực để công tác cải tạo kênh, rạch trên địa bàn TP được hiệu quả hơn.

Dọc kênh Hy Vọng (đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích, phường 15,
quận Tân Bình) đầy ắp các loại rác thải. Ảnh: THU TRINH

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:
Đặt yêu cầu cao về xử lý ô nhiễm
Hiến kế làm đẹp kênh, rạch ở TP.HCM ảnh 2
 

Cải tạo kênh, rạch có hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất là ở khu đô thị mới, ngay từ đầu TP cần đặt yêu cầu cao về việc xử lý ô nhiễm trước khi xả thải ra kênh, rạch.

Vấn đề thứ hai là khu đô thị hiện hữu, việc cải tạo sẽ gặp khó khăn hơn nhiều do hệ thống cũ tồn tại, không đồng bộ và không đáp ứng giữ gìn vệ sinh môi trường. Vấn đề này cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sống ở khu vực. Cùng với đó Nhà nước phải có cơ sở pháp lý để phạt nặng những người không có ý thức xả thải trực tiếp ra kênh, rạch.

Tôi nhận định đây là công việc không dễ dàng, cần sự phối hợp và kiên nhẫn của những người có trách nhiệm. Nếu chỉ chăm chăm xử lý chất thải ở kênh, rạch thì đây không phải cách giải quyết vấn đề. Cách giải quyết sâu xa là thực hiện quy hoạch hai bên bờ kênh, rạch kết hợp với cải tạo, nạo vét, làm sạch...
Nếu chỉ quan tâm đến việc giải quyết vấn đề ô nhiễm thì giống như chỉ làm phần ngọn mà không làm phần gốc. Phần gốc chính là quy hoạch công trình hai bên bờ kênh, rạch. Nếu bỏ quên phần gốc thì có phát triển cũng không bền vững, không phù hợp với thực tế và hạ tầng không đảm bảo.
Sông nước luôn có giá trị cảnh quan, tuy nhiên giá trị này cần có cơ chế quản lý để người dân thấy rằng đây là lợi ích chung mà cùng nhau bảo vệ.
Về nguồn vốn thực hiện, TP nên khuyến khích những giải pháp xã hội hóa. Sau khi chỉnh trang, làm sạch kênh, rạch giá trị sẽ tăng lên hàng chục lần. Đây là vấn đề kinh tế khả thi, trong đó Nhà nước lo bồi thường, giải tỏa, tư nhân lo phát triển dự án.
PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV):
Hướng đến dự án đa mục tiêu
Hiến kế làm đẹp kênh, rạch ở TP.HCM ảnh 3
 

Theo tôi, TP muốn làm các dự án nạo vét, chỉnh trang kênh, rạch thì phải hướng đến các loại dự án đa mục tiêu. 

Đầu tiên là giải tỏa 22.000 hộ dân sinh sống trên 16 con kênh, rạch (nhiều nhất là quận 8), sau đó tái định cư, tạo công ăn việc làm cho từng hộ dân.
Thứ hai, cải tạo, khơi thông dòng sông, kênh, rạch để đưa hệ thống thoát nước ngập do triều cường ra biển. Nếu cải tạo, chỉnh trang theo hướng thoát nước tự nhiên qua hệ thống sông, kênh, rạch thì thời gian ngập tại TP sẽ giảm đáng kể.
Chúng ta nên cải tạo kênh, rạch với mục tiêu hướng đến phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tải cho giao thông bộ, kết hợp với phục vụ du lịch sông nước. Ngoài ra, các dự án này cũng góp phần cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên quan tâm đến việc làm bờ kè, thảm cỏ, cây xanh, công viên… để tạo mỹ quan đô thị. 
Ứng phó với các nguy cơ tái ô nhiễm, tôi đề xuất làm lưới dọc tuyến kênh để ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi, đồng thời phạt nặng đối với những trường hợp này.
GS-TS LÊ THANH HẢI, Viện trưởng Viện MT&TN (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Yêu cầu tuân thủ quy hoạch thoát nước
Hiến kế làm đẹp kênh, rạch ở TP.HCM ảnh 4
 

Việc cải tạo kênh, rạch mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân TP nên được người dân đồng lòng, ủng hộ. Ngoài ra, công tác này còn làm thay đổi diện mạo cho TP nên rất cần thiết để thực hiện. 

Hiện nay, nước thải sinh hoạt của người dân, nước thải ở nhiều khu công nghiệp thải trực tiếp ra kênh, rạch mà không được thu gom, xử lý. Lượng nước thải lớn này đã gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là ô nhiễm kênh, rạch. Nếu lượng nước thải đó được xử lý tại nguồn sẽ giảm tình trạng ô nhiễm đáng kể.
Vì vậy, theo tôi, giải pháp chúng ta cần làm trước mắt là giải quyết triệt để vấn đề nước thải, không để nước thải từ các công ty, xí nghiệp... đổ thẳng ra kênh, rạch. Đồng thời TP yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ quy hoạch thoát nước, cấm xả rác xuống kênh, rạch. Nước thải sinh hoạt phải được chảy về các trạm xử lý mà Nhà nước quy hoạch.•
Xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải
Song song việc tổ chức kêu gọi đầu tư vào các dự án cải tạo kênh, rạch, TP còn đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo kênh, rạch đang thực hiện. 
Đồng thời TP tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang dọc các tuyến kênh đã cải tạo xong để góp phần nâng cao đời sống người dân và cảnh quan khu vực.
Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch do nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải ra, TP đang nỗ lực hoàn thành xây dựng bảy nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao. Điều này cũng làm tăng hiệu quả các dự án cải tạo sông, kênh, rạch đã được thực hiện.
Bên cạnh đó, TP cũng tiếp tục triển khai các giải pháp phi công trình. Cụ thể, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường tập trung kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn các quận, huyện…
                                                                  Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm