Khôi phục đường bay quốc tế sẽ giảm chi phí đi lại

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý mở lại đường bay quốc tế thường lệ tới chín quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 1-1-2022. Chính phủ đồng ý mở lại đường bay nhằm khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp (DN) hàng không, thúc đẩy phục hồi kinh tế, du lịch… đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam (VN) được về quê đón tết Nguyên đán. Nhiều công dân VN đang bị mắc kẹt tại một số nước sau gần hai năm vì dịch COVID-19 cũng như những người đang chờ xuất cảnh rất vui mừng.

Các hãng hàng không Việt Nam sẵn sàng cất cánh phục hồi chín đường bay quốc tế đầu năm 2022. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Mong ngóng ngày về

Hai thực tập sinh Quang Thắng và Mậu Trãi đang làm việc tại TP Nagoya (Nhật Bản) cho biết hợp đồng của mình đã hết hạn cách đây một năm nhưng vì đại dịch nên đã gia hạn hợp đồng hai lần. Khi hay tin đường bay đến Nhật Bản phục hồi, cả hai phấn chấn vì sắp được về quê sau bốn năm ở xứ mặt trời mọc.

Quang Thắng chia sẻ mình đã may mắn đặt vé trọn gói từ giữa tháng 11 với tổng chi phí 40 triệu đồng. Trong đó, vé máy bay do chủ DN bao, số tiền còn lại là chi phí cách ly, xét nghiệm và ăn uống thì phải tự bỏ tiền túi. Dù rất vui vì sắp được gặp vợ con nhưng Quang Thắng lại hơi tiếc vì sau ngày 1-1-2022, thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh vào VN có thể rút ngắn hoặc được cách ly tại nhà nên chi phí giảm đáng kể. “Nếu chậm chân một chút, em đã tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá lo cho vợ con” - Quang Thắng trải lòng.

Còn anh Mậu Trãi dù rất nóng lòng được trở về nhưng thận trọng hơn. Anh cho biết sẽ đợi sau ngày 1-1-2022 mới tính toán về nước, vì sau thời gian này sẽ giảm được nhiều chi phí so với chuyến bay trọn gói mà theo anh sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá để mua sắm quà và đồ dùng cho gia đình. “Bạn bè em nóng lòng nên đã đặt vé trọn gói với chi phí cao để về nước. Vì muốn tiết kiệm chi phí nên em cân nhắc thời điểm mở cửa đường bay thương mại mới quyết định về thăm gia đình” - anh Mậu Trãi nói.

Hàng ngàn người trông ngóng ngày xuất ngoại

Các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) thông tin thời gian qua có hàng chục ngàn ứng cử viên đã phỏng vấn trúng tuyển để sang các nước làm việc nhưng dịch bùng phát nên các nước hạn chế nhập cảnh. Vì vậy, các ứng cử viên phải về quê chờ đợi gần cả năm nay. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý các ứng cử viên và mối quan hệ đối tác rất lớn, chưa kể chi phí để vận hành hoạt động công ty.

“Đây là tin vui với các lao động VN đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan khi đường bay thương mại hai chiều mở cửa. Các chuyến bay thương mại sẽ giảm chi phí vé máy bay, chi phí cách ly rất nhiều” - đại diện một công ty XKLĐ tại TP.HCM phân tích.

Kiều Trang là một ứng cử viên đã phỏng vấn trúng tuyển ngành lắp ráp điện tử tại Nhật Bản từ tháng 5. Dịch bệnh bùng phát, công ty dịch vụ XKLĐ cho về quê tránh dịch nửa năm nay. “Ngày nào em cũng mong dịch bệnh được kiểm soát, Nhật Bản mở cửa tiếp nhận thực tập sinh để em sang làm việc vì ở nhà quá lâu chùn chân và tốn kém nhiều chi phí học tiếng tại TP.HCM” - Kiều Trang tâm sự.

Một nữ giáo viên người Việt tại Đài Loan chia sẻ công nhân và người Việt tại Đài Loan có nhu cầu về thăm quê rất cao nhưng việc nhập cảnh Đài Loan theo giấy phép lao động hiện chưa mở cửa cho thị trường VN. Hiện một số quy định phòng chống dịch của Đài Loan khá khắt khe. Cụ thể, trước khi đến Đài Loan phải xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19. Sau khi nhập cảnh phải cách ly 14 ngày, theo dõi sức khỏe bảy ngày và xét nghiệm thêm lần nữa. Nữ giáo viên cho biết những chi phí này về nguyên tắc thì chủ sử dụng lao động phải chịu, tuy nhiên với DN vừa và nhỏ gánh thêm chi phí này khá tốn kém, khoảng 40 triệu đồng.

Từ đó, nữ giáo viên mong các chuyến bay thường lệ sớm được khôi phục và giảm thời gian cách ly hoặc cách ly tại nhà để giảm chi phí cho hành khách đi lại giữa VN và Đài Loan bởi người lao động có nhu cầu đi lại hai chiều rất lớn. “Các chuyến bay thời gian qua từ Đài Loan về VN gồm tiền vé và cách ly với chi phí 50 triệu đồng rất tốn kém” - nữ giáo viên này cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc phục hồi đường bay quốc tế nếu không muốn nền kinh tế bị tụt lại phía sau. Nếu tiếp tục đóng cửa sẽ mất dòng khách khi các nước khác đã mở cửa đón khách, giao thương, du lịch, đầu tư... Việc phục hồi đường bay quốc tế thời điểm cuối năm tạo điều kiện cho công dân/người VN ở các nước có nhu cầu về quê đón tết rất lớn. Đây cũng là nguồn lực lớn để ngành hàng không phục hồi, có dòng tiền để vượt qua khó khăn sau hai năm bị đại dịch bào mòn.•

Khôi phục chín đường bay quốc tế

Chính phủ vừa đồng ý thí điểm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở hành khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu sẽ mở cửa các đường bay: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm