Lên phương án chống kẹt xe cho TP Đà Lạt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cuộc thi chống ùn tắc giao thông cho TP Đà Lạt, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, xác nhận sở đang tiến hành tổ chức cuộc thi nhằm chọn ra những ý tưởng nổi trội. Trong đó, ý tưởng phải đề ra các giải pháp chống ùn tắc và tầm nhìn xa về phát triển giao thông cho TP Đà Lạt.

 Ô tô xếp hàng dài, xe hai  bánh phải leo lên vỉa hè ở Đà Lạt. Ảnh: TTXVN

Giao thông TP Đà Lạt đã quá tải

Chị Mai Thị Huệ, người dân TP Đà Lạt, chia sẻ: “TP Đà Lạt trước kia không đèn đỏ, không kẹt xe thì nay tình trạng kẹt xe diễn ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường lớn, đặc biệt là các điểm du lịch đều ùn ứ, nhất là vào cuối tuần và dịp lễ, tết”.

Ông Trương Trung Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Từ năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các cuộc họp để tìm giải pháp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe ở TP Đà Lạt. Song đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính trước mắt.

Do đó, việc tổ chức tìm ra ý tưởng chống kẹt xe cho TP Đà Lạt là hết sức cần thiết. TP Đà Lạt cũng đã quy hoạch lại đô thị, mở rộng không gian ra vùng phụ cận, quy hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, khoa học. Đặc biệt, kinh tế phát triển nên phương tiện giao thông trên địa bàn gia tăng nhanh chóng. Song song đó, du khách đến địa phương tăng đột biến (nhất là vào các dịp hè, lễ, tết, các ngày lễ hội lớn, ngày nghỉ cuối tuần) làm cho hạ tầng giao thông chưa theo kịp với tốc độ phát triển.

Từ đó, giao thông tại TP Đà Lạt trở nên quá tải và thường xuyên ùn tắc tại các nút giao thông cũng như các tuyến chính trong khu vực trung tâm TP.

Cần gấp rút triển khai

Trước thực trạng trên, ông Trương Trung Thắng cho biết: Ngày 21-1 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn 2035”. Trong đó, cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông cho TP Đà Lạt là dựa trên đề án này.

Cụ thể, phạm vi nghiên cứu đề án gồm TP Đà Lạt và vùng phụ cận như các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà. Ý tưởng trong cuộc thi sẽ góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để từng bước cải thiện, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng thời đề án sẽ tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP theo hướng đồng bộ, hợp lý và hiện đại. Mục tiêu của đề án cũng nhằm phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kéo giảm tai nạn giao thông…

Theo kế hoạch của đề án, đến năm 2025 sẽ đầu tư phát triển các loại hình vận tải, phương tiện vận chuyển hành khách, tuyến đường, lộ trình hợp lý, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông. Tới năm 2035, hoạt động giao thông được an toàn, thông suốt và quản lý khai thác theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Dự kiến kinh phí lập đề án hơn 6 tỉ đồng. Cụ thể, chi phí tổ chức thực hiện đề án hơn 4,2 tỉ đồng, chi phí tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khoảng 2 tỉ đồng (trong đó 1 tỉ đồng sẽ trao cho ý tưởng xuất sắc nhất).•

Tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 90%

Theo thống kê, năm 2019, TP Đà Lạt đón trên 6,3 triệu lượt du khách, tăng bình quân 10%/năm. Quá trình đô thị hóa trên địa bàn TP Đà Lạt cũng diễn ra hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ, tỉ lệ đô thị hóa đạt 90,3%.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, đánh giá: TP Đà Lạt có nhiều tuyến đường nhỏ, có độ dốc nên rất khó để mở đường mới.

Theo đó, một trong những giải pháp để chống kẹt xe cho TP Đà Lạt là cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, xây dựng hệ thống chỉ huy giao thông. Do trước kia chưa có hệ thống đèn tín hiệu thì nay chúng ta cần xây dựng gấp để góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm