Lợi dụng kẽ hở để né phạt nguội

Hiện nay, việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh, giám sát tự động bằng camera để điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực giao thông đang được nhiều địa phương trên cả nước tiến hành thực hiện.

Tại TP.HCM, theo đánh giá của Phòng CSGT Công an TP (PC08), công tác xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.

CSGT TP.HCM xử phạt vi phạm qua hình ảnh. Ảnh: LÊ THOA

Ba tháng nộp vào kho bạc hơn 5,5 tỉ đồng

Theo đó, trong năm 2020, PC08 và công an của tám quận, huyện đã trích xuất trên 95.000 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh. Qua đó đã có gần 25.000 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, nộp vào Kho bạc Nhà nước trên 15 tỉ đồng.

Riêng hơn ba tháng đầu năm 2021, toàn phòng đã ghi nhận được 35.633 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh. Hiện đã có 5.091 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỉ lệ 14,28%, nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 5,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị CSGT vẫn cho biết công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) vẫn còn khó khăn.

Lãnh đạo một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho biết tỉ lệ đóng phạt nguội vẫn chưa cao là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Theo đó, trong vòng năm ngày từ khi ghi nhận hình ảnh vi phạm, CSGT sẽ gửi thông báo về tận nhà cho người vi phạm. Sau 15 ngày, nếu người vi phạm không lên chấp hành quyết định xử phạt thì CSGT sẽ gửi thông tin về công an địa phương và gửi danh sách ngăn chặn đến cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, nhiều thông báo gửi đi được trả về do không có người nhận, địa chỉ chưa chính xác khiến CSGT mất thời gian tra cứu, gửi lại.

Theo vị lãnh đạo này, trước đây khi chưa có Nghị định 100/2019, trường hợp chủ xe cho thuê, mượn xe rồi vi phạm giao thông qua hình ảnh nhưng không chịu đóng phạt khiến CSGT gặp khó. Nhiều chủ xe không tìm ra được tài xế hoặc không chịu hợp tác nên quyết định xử phạt không thể thi hành. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 100/2019, nếu chủ xe không chứng minh được mình không phải là người lái xe hoặc không giải trình để xác định người vi phạm thì sẽ phải nộp phạt thay.

Đặc biệt, cũng từ khi có Nghị định 100, PC08 đã phối hợp gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm về các trường hợp vi phạm giao thông qua camera nhưng quá thời hạn đóng phạt để ngăn chặn đăng kiểm. “Hiện nay, chỉ có biện pháp ngăn chặn đăng kiểm là hiệu quả nhất đối với vi phạm qua hình ảnh” - vị này cho hay.

Lợi dụng kẽ hở để né phạt nguội

Tuy nhiên, theo CSGT, nhiều người đã lợi dụng việc thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thời hạn trong vòng một năm và đợi đến khi biên bản không còn hiệu lực mới đi đăng kiểm, khi đó đã “lố” thời gian xử phạt.

Vị lãnh đạo đội CSGT cho biết hiện chưa có quy định trong ngăn chặn việc sang tên đổi chủ trong trường hợp chưa đóng phạt nguội nên đây cũng là một vướng mắc khác khiến hiệu quả phạt nguội chưa cao. Do tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không sang tên đổi chủ diễn ra tràn lan dẫn tới lực lượng chức năng khó chứng minh người vi phạm. Ngoài ra còn có tình trạng nhiều chủ xe thay đổi địa chỉ nhưng không đăng ký lại thông tin để lực lượng CSGT quản lý dẫn đến việc thông báo, yêu cầu người vi phạm đến xử lý gặp nhiều khó khăn.

Nhìn nhận về đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, vị lãnh đạo CSGT kỳ vọng với việc ứng dụng khoa học công nghệ và những cơ chế đặc thù cho TP.HCM sẽ giúp xé rào cho việc xử phạt nguội, tháo gỡ những vướng mắc lâu nay.

“Với đề án này, chúng ta có thể đưa thiết bị thông minh vào xử phạt vi phạm qua hình ảnh. Trong khi trước đây chúng ta còn dùng tay để quay hình, dùng tay điều khiển để zoom tới biển số xe, nhiều trường hợp phải ngồi đó quan sát để bắt vi phạm… Bây giờ hệ thống sẽ tự động hơn, CSGT chỉ cần lấy hình ảnh từ tập tin đã tự động lưu trước đó để xử phạt” - vị này phân tích.

Sẽ nhân rộng phạt nguội trên toàn TP.HCM

Theo lãnh đạo PC08, dự kiến thời gian tới CSGT TP.HCM sẽ triển khai, nhân rộng mô hình xử lý vi phạm qua hình ảnh đến công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời PC08 cũng phối hợp với Sở GTVT xây dựng Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đề án này đã trình UBND TP phê duyệt, xin ý kiến Chính phủ để triển khai thực hiện.

Lãnh đạo PC08 thông tin sẽ chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống giám sát của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP để trích xuất xử phạt. Cùng đó là tiếp nhận những thông tin phản ánh về tình hình giao thông trên địa bàn TP của người dân để tiến hành xác minh, xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, PC08 vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp đã mang lại hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh. Trong đó, tiếp tục phối hợp với cơ quan đăng kiểm để ngăn chặn kiểm định đối với phương tiện vi phạm qua hình ảnh. Đồng thời duy trì thực hiện việc dán thông báo vi phạm ngay đầu xe đối với xe dừng, đỗ không đúng quy định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm