Mở đường bay quốc tế để cứu doanh nghiệp du lịch

Từ ngày 1-1-2022, Việt Nam thí điểm khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành nhìn nhận chính sách thí điểm trên rất tích cực, tạo cơ hội cho ngành du lịch dần phục hồi sau gần hai năm dừng hoạt động vì dịch COVID-19.

Cần có cam kết pháp lý xuất nhập cảnh

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc, Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết việc chưa mở cửa đón khách quốc tế trên các chuyến bay thương mại là rào cản rất lớn với những du khách có nhu cầu đi du lịch thật sự.

Theo bà Khanh, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine cũng chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, khi hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM chưa được đón khách du lịch quốc tế; thị thực Việt Nam chỉ cấp theo đúng số ngày tham quan ở các địa phương thí điểm. Nếu du khách muốn di chuyển sang địa phương khác thì phải có người thân bảo lãnh và cung cấp đủ các hồ sơ chứng minh mối quan hệ là rất khó đáp ứng…

Đoàn khách báo chí nước ngoài tham quan city tour Biệt động Sài Gòn đầu tháng 12-2021. Ảnh: NGUYỄN CHI

Bà Khanh cho biết hiện tại Vietravel đang tiếp thị đến đối tác và nhận được phản hồi khá tốt. Dự kiến tháng 1 và 2-2022, công ty sẽ đón bốn đoàn charter đến Phú Quốc từ thị trường Đông Nam Á; vào tháng 4-2022, công ty sẽ đón tiếp các đoàn khách từ châu Âu. Tiếp theo, công ty sẽ mạnh dạn chào bán tour cho khách vào thời điểm hè 2022, nhất là các thị trường gần như Đông Nam Á hoặc Đông Bắc Á…

Ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam, nhận định việc Chính phủ đồng ý thí điểm khôi phục đường bay thương mại quốc tế là tín hiệu rất tốt cho DN du lịch cũng như kỳ vọng của các hãng hàng không và các nhà đầu tư. Việc thí điểm khôi phục đường bay thương mại ở thị trường lân cận như Đông Bắc Á và Đông Nam Á mang tính chiến lược, thuận lợi thu hút khách vì cự ly bay gần và đây cũng là các thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, thương nhân từ những quốc gia này có nhu cầu lớn đến Việt Nam đầu tư kinh doanh.

Theo ông Khoa Luân, công ty đã làm việc với đối tác và họ rất mong đợi đến Việt Nam sau ngày 1-1-2022 nhưng tối thiểu khoảng một năm sau DN lữ hành quốc tế mới có thể đưa khách đến Việt Nam. Nguyên nhân là DN lữ hành cần có cam kết mang tính pháp lý từ Chính phủ thì mới tung ra chiến lược tiếp thị quảng cáo và chào bán tour Việt Nam cho du khách quốc tế.

Ông Khoa Luân lý giải, muốn bán một tour du lịch DN ngoài tốn chi phí để marketing, tiếp thị thì du khách phải lên kế hoạch từ ba đến sáu tháng cho chuyến đi. Song song đó, nếu sau khi DN ký hợp đồng với đối tác nhưng đến thời điểm đi du lịch Việt Nam, vì lý do nào đó công ty không bảo lãnh được visa nhập cảnh cho khách dẫn đến không thể nhập cảnh được, DN phải đền hợp đồng.

“Theo hợp đồng, nếu vì bất cứ lý do gì khách không được bảo lãnh nhập cảnh, DN Việt sẽ bị phạt gấp ba lần giá trị tiền tour thì coi như DN phá sản. Do đó, rào cản pháp lý hiện nay là chính sách visa xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu không có cam kết pháp lý xuất nhập cảnh rõ ràng từ Chính phủ thì DN sẽ không mạnh dạn bán tour đến Việt Nam cũng như các đối tác lữ hành quốc tế không dám ký kết hợp đồng” - ông Khoa Luân nói.

Không nên chậm chân mở cửa đón khách quốc tế

Theo ông Khoa Luân, việc mở cửa thí điểm đường bay thương mại quốc tế cho một số thị trường tạo cú hích lớn, kích thích cho các đường bay xa như thị trường Mỹ, châu Âu sớm được khôi phục. Tuy nhiên, đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Chẳng hạn hiện nay, Thái Lan là “chiếu trên” về du lịch của Đông Nam Á đã mở cửa du lịch, sẵn sàng đón khách quốc tế đến không cần cách ly khi đã tiêm phòng đầy đủ, xét nghiệm PCR âm tính, đi lại không giới hạn sinh hoạt như người bản xứ. Và ngay cả như Campuchia “chiếu dưới” gần đây cũng mở cửa du lịch, trở thành cửa ngõ trung chuyển khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi Việt Nam chưa có lộ trình mở cửa rất khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Đáng chú ý, các kênh truyền thông quốc tế quảng bá rầm rộ chính sách mở cửa thông thoáng của Thái Lan, Bali (Indonesia) và Singapore. Nếu Việt Nam chậm chân hơn sẽ bỏ ra chi phí lớn để truyền thông thì rất thiệt thòi. Hiện nay, các nước xung quanh Việt Nam đang xúc tiến mở các đoàn famtrip mời các công ty du lịch, lữ hành Việt Nam đến tham quan, khôi phục mở cửa đón khách Việt Nam sang du lịch.

“Do đó, Nhà nước cần cân nhắc mở cửa sớm bởi sự chậm chân này không chỉ ảnh hưởng đến thu hút nguồn khách với các nước trong khi các DN lữ hành, hàng không, khách sạn… hầu như hai năm nay đều phải ngừng hoạt động” - ông Khoa Luân nói.

Còn theo bà Vân Khanh, nếu Việt Nam bỏ quy định cách ly đối với người nhập cảnh và mở lại đường bay thường lệ đó sẽ là một động thái cực kỳ tích cực. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Campuchia thì Việt Nam đã chậm so với họ.•

 

Hiện tất cả đoàn khách quốc tế, đặc biệt là khách tàu biển tiếp tục dời lịch tour đến Việt Nam sang tháng 3 hoặc tháng 5-2022. Do đó, việc cấp thiết mở đường bay thương mại và du lịch quốc tế sẽ là cứu cánh cho du lịch Việt Nam phục hồi.

Bà ĐOÀN THỊ THANH TRÀGiám đốc tiếp thị truyền thông, Công ty Lữ hành Saigontourist

Mở cửa là tất yếu nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá ngành hàng không là phân ngành rất quan trọng trong giao thông, là hạt nhân vực dậy ngành du lịch. Nếu Việt Nam thí điểm mở cửa đường bay thương mại quốc tế chậm hơn nữa thì không chỉ mất đi cơ hội thu hút khách mà còn mất cơ hội mở ra cho các ngành kinh tế khác. Thực tiễn cho thấy dù tăng chi phí nhưng có nhiều du khách phải đi đường vòng từ Mỹ bay đến Campuchia mới về Việt Nam. Qua đó cho thấy việc mở cửa là tất yếu nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đồng thời, việc nối lại các chuyến bay là việc mở cửa thực sự bầu trời, kết nối các phương thức giao thông, thúc đẩy các chuỗi giá trị ngành du lịch sống lại sau thời gian dài lâm bệnh nặng vì đại dịch. Song song đó là kết nối không gian và chuỗi logistics cũng như cung ứng hàng hóa bị tắc nghẽn thời gian dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm