Chiều 1-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ lớn ở miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ.
Cuộc họp này được tổ chức khi miền Nam Trung Quốc đang xảy ra mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào mùa mưa lũ, các tình huống bất thường rất có thể xảy ra.
Mực nước trên sông Hồng ở mức thấp
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đưa ra những đánh giá về khả năng ảnh hưởng của lũ lớn ở Trung Quốc tới Việt Nam.
Hình thế Front Mei-yu gây mưa ở Trung Quốc.
Theo đó, ông Khiêm cho biết lưu vực sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong bảy ngày qua, mực nước tại các sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc phần lãnh thổ Việt Nam đang biến đổi chậm và ở mức thấp.
Tuy nhiên, trong quá khứ thì lũ lớn xuất hiện trên lưu vực sông Lý Tiên và sông Nguyên ở Trung Quốc chảy truyền về đã gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao.
"Dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng mà sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành" - ông Khiêm cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN nêu ý kiến: "Mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc kéo dài gần một tháng không theo quy luật nào, nếu xảy ra tại Việt Nam thì ứng phó thế nào?".
Từ đó, ông Hùng đề nghị cơ quan dự báo phải dự báo thật sát và chính xác để kịp thời triển khai công tác ứng phó.
Nếu Hà Nội mưa lớn kết hợp lũ thượng nguồn, nguy cơ thành thảm họa
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong sáu tháng cuối năm 2020, diễn biến thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khó lường. Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện muộn với khoảng 11-13 cơn, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Về lũ, trên các sông từ báo động 2-3 có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, nhất là khu Tây Bắc.
Các chuyên gia nhận định, nếu mưa lũ lớn kéo dài liên tục như ở miền Nam Trung Quốc vừa qua thì lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra đặc biệt nghiêm trọng. Theo số liệu điều tra, khu vực miền núi phía Bắc đang có 523 điểm nguy cơ cao xảy ra lũ quét, 955 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, gây ảnh hưởng đến gần 57.000 hộ dân.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ lớn ở miền núi phía Bắc và Bắc bộ. Ảnh: PCTT
Tại cuộc họp, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục cho biết, trong trường hợp xảy ra mưa lớn kéo dài kết hợp lũ thượng nguồn ngoài biên giới đổ về sẽ gây mất an toàn cho hệ thống phòng chống thiên tai.
Cụ thể, hệ thống liên hồ chứa chỉ có khả năng phòng lũ với dung tích phòng lũ hạ du của bốn hồ (Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang) là 5,82 tỷ m3 thì có khả năng phải xả lũ khẩn cấp.
Trong tổng số 2.543 hồ chứa thủy lợi thì có 81 hồ thủy lợi xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa, tránh nguy cơ như sự cố vỡ đập Đầm Thìn ở Phú Thọ vừa qua.
Về đảm bảo an toàn đê điều, đang có 221 trọng điểm đê xung yếu, 269 km đê thiếu cao trình dẫn đến bị tràn khi có lũ, 587 km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế, 138 km đê thường xuyên bị thẩm lậu, rò rỉ khi có lũ, 413 cống bị hư hỏng cần sửa chữa, 209 km kè bị hư hỏng...
Từ thực trạng như trên, nếu xảy ra mưa lũ như ở Trung Quốc thì nguy cơ vỡ đê gây thảm họa cho thủ đô Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc bộ là rất lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan liên quan tổng kiểm tra toàn bộ vật tư, lực lượng, máy móc, thiết bị để luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ngờ. Tất cả các tuyến đê từ cấp III đã được rà soát lên phương án ứng phó cụ thể, nhất là với các khu vực xung yếu.
Ông Hoài cũng đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin đánh giá, dự báo tình hình mưa lũ sâu hơn nữa, vì đây là cơ sở cho công tác chỉ đạo ứng phó.
Các địa phương rà soát các khu vực có thể bố trí sơ tán dân khẩn cấp và đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu, rà soát những khu vực có nguy cơ cao để có phương án bố trí sắp xếp dân cư phù hợp...