Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 27-2, ông Trần Nguyễn Nghi, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, xác nhận Bộ TN&MT vừa cho phép Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát) nhận chìm 15,39 triệu m³ vật chất xuống vùng biển Dung Quất, Quảng Ngãi.
Bộ cho rằng không ảnh hưởng môi trường
Cụ thể, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT, vừa ký Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (đóng tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được nhận chìm vật chất ở biển.
Vật chất được nhận chìm là chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tổng khối lượng vật chất nhận chìm là 15,39 triệu m³, bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là 7,69 triệu m³, giai đoạn 2 là 7,7 triệu m³.
Giấy phép của Bộ TN&MT cho hay thành phần của chất nhận chìm có khoảng 86,4% là cát, 13,6% bùn sét. Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Địa điểm khu vực nhận chìm là vùng biển Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Về phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm, giấy phép của Bộ TN&MT cho hay đơn vị nhận chìm sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy. Thời hạn thực hiện nhận chìm từ ngày 1-3 đến hết ngày 31-5-2020 (15 tháng).
Cũng theo giấy phép này, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất có trách nhiệm thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của giấy phép; phải có biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: HP
Khu vực nhận chìm rộng gần 180 ha
Chiều cùng ngày, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đại diện cho tỉnh trong hội đồng đánh giá tác động môi trường của dự án nhận chìm. Qua theo dõi, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy Tập đoàn Hòa Phát đã thuê đơn vị tư vấn đánh giá rất kỹ khu vực nhận chìm có diện tích gần 180 ha.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang trong giai đoạn thi công. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào quý I-2019 với công suất 2 triệu tấn thép dài xây dựng. Giai đoạn 2 hoàn thành cuối năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. |
“Qua đánh giá, dưới đáy biển ở đó không có gì hết, không có san hô… Bộ TN&MT yêu cầu rất kỹ, cũng rất thận trọng trong chuyện này. Theo các hình ảnh thu thập được thì không ảnh hưởng gì đến môi trường. Khu vực nhận chìm cách khu bảo tồn của đảo Lý Sơn đến 28 km. Không có ai phản đối, Bộ TN&MT làm rất kỹ nên có sự đồng tình của giới khoa học, không ảnh hưởng gì đến mưu sinh của người dân” - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, trong thời gian thực hiện nhận chìm, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi sẽ thường xuyên kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng giấy phép được cấp.
Cuối năm 2018, đoàn công tác của Bộ TN&MT cũng đã khảo sát khu vực biển nói trên. Hình ảnh ghi được từ camera không phát hiện thấy có các rạn san hô hay các loài sinh vật đặc hữu. Ở độ sâu 52 m chỉ thấy có cát vàng và các lớp trầm tích. Hình ảnh này cũng trùng khớp với kết quả của hai lần khảo sát đáy biển vào tháng 4 và tháng 9-2018 của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Không bất ngờ khi hay tin nhận chìm Trao đổi với PV, ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, cho biết khi nghe việc Tập đoàn Hòa Phát được cấp phép nhận chìm như trên ông không bất ngờ. Theo ông, việc nạo vét đáy biển rồi thả lại dưới biển nếu đúng như đánh giá của các chuyên gia thì không có gì ô nhiễm. “Trong phần vật chất đó có bùn, phù sa, đổ xuống thế nào cũng làm đục bãi biển nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Bùn lắng đọng dưới đáy biển, các tạp chất nếu có thì cũng gây ô nhiễm rồi, sau đó nó di chuyển đi thôi, không phải là gây tác động gì nhiều. Bờ biển ổn định tự nhiên rồi, sóng gió, địa chất ổn định cả ngàn năm nay rồi” - ông Diệm nói. |